Điều đầu tiên phải nói tới là giá vé, chỉ vào khoảng 10 euro cho một trận. Nhiều CĐV Bayern và Dortmund cầm sẵn bia trong tay, đứng trên những khán đài kiểu xa xưa. Thật ra, Borussia Dortmund đã giành cú đúp ở trong nước mùa trước, vô địch cúp quốc gia và Bundesliga, với tỉ lệ khán giả trung bình tới sân ở giải đấu là hơn 45.000 mỗi trận, cao nhất tại châu Âu.
Hầu hết mọi trận đấu của Dortmund đều bán hết vé, điển hình như khi họ gặp Hamburg mùa trước ở Signa Iduna Park, 80.720 CĐV đã đến chật kín sân bóng. Bất chấp thời tiết lạnh giá và tuyết rơi như trút, bầu không khí hết sức sôi động. Khi người đọc thông báo trên sân, Norbert Dickel, cất tiếng, cũng là lúc sân bóng nổ tung trong những tràng pháo tay dữ dội và bức tường màu vàng chuyển động như cả một đại dương trên các khán đài.
Hầu hết các CĐV bóng đá là những người trẻ. 40% fan hâm mộ của Dortmund dưới 25 tuổi, và một tỉ lệ không nhỏ là phụ nữ. Chị em nhà Mela và Svea Ruter là những ví dụ điển hình, những người hâm mộ cuồng nhiệt, có mặt trên sân, hò hét hết sức và luôn ra về sau cùng.
Svea, làm trong ngành bán lẻ, 19 tuổi, mua vé cả mùa, xem 17 trận sân nhà của Dortmund, chỉ với 187 euro. Để so sánh, ở Arsenal, vé cả mùa là từ 1.200 tới 2.400 euro, dù có bao gồm cả các trận Champions League. Nếu chỉ đến xem một trận ở Emirates, bạn có thể sẽ phải chi 140 euro, tăng hơn 30 euro so với năm ngoái.
Không CLB Anh nào có thể tạo ra bầu không khí lễ hội cho các CĐV với giá rẻ như Dortmund. Svea nói: “Chúng tôi đứng cạnh nhau, hát cùng nhau, chúng tôi có một tấm băng-rôn lớn. Tôi yêu bầu không khí ở đây. Giá rẻ khiến những người trẻ có thể tham gia thoải mái. Tôi không tới các trận Champions League trừ khi có vé của bạn bè cho, hay mua được trên eBay, nhưng các trận đó thì không được đứng lên do luật của UEFA, nên cũng mất nhiều thú vị”.
Sinh viên Mele, 22 tuổi, nói thêm: “Bạn có thể thấy rất nhiều phụ nữ ở đây. Đó đã là lịch sử, những trận đấu đầu tiên của bóng đá Đức diễn ra ở đây và có rất nhiều đội bóng lớn trong khu vực này. Từng có tranh luận lớn vào đầu mùa về việc kiểm soát đám đông các CĐV, nhưng những CĐV đều ý thức phải làm cho sân bóng an toàn và lịch sự nếu muốn có các trận đấu sôi động”.
Người hâm mộ có tiếng nói đầy ảnh hưởng trong việc các CLB ở Bundesliga nên được vận hành ra sao. Borussia Dortmund được xây dựng trên một mô hình kinh doanh khác hẳn với việc ném tiền tấn vào đội bóng như ở Anh hay TBN. Mô hình “50+1” có nghĩa là không một cá nhân nào có thể sở hữu toàn bộ đội bóng. Có 75.000 “thành viên có đăng ký” ở CLB. Họ trả số tiền 63 euro mỗi năm để có tiếng nói và quyền biểu quyết với những vấn đề trọng đại của Dortmund.
5 đại diện thường trực của các CĐV có mặt trong ban lãnh đạo đảm bảo những ý kiến của họ sẽ được lắng nghe trong mọi vấn đề, từ giá vé, chỗ đứng trên sân, lối vào cho người khuyết tật, chỗ chơi cho trẻ em tới khán đài riêng cho các gia đình. CĐV Đức nhìn chung trả thấp hơn 10 lần cho vé xem trọn mùa so với những đồng nghiệp Anh. Nhưng nhờ thế, sự cam kết và gắn bó của họ với đội bóng trở nên lớn hơn nhiều.