Lăng kính: Hàng đầu rồi biết đi đâu?
Bayern đã lao lên đoạt cờ tiên phong của bóng đá châu Âu, theo mọi nghĩa. Trên sân cỏ, họ vô địch Champions League. Trên thương trường, họ đã đánh bại M.U để trở thành thương hiệu bóng đá đắt giá nhất hành tinh, theo thống kê của những công ty uy tín.
Nhưng có một số phận dành cho những kẻ tiên phong của kỷ nguyên Champions League. Đó là họ sẽ không thể, hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian để tái hiện lại thành tích của chính mình trong một giai đoạn.
Juventus, đội đã dự 3 trận chung kết liên tiếp và đăng quang 1 lần từ 1995 đến 1998 bây giờ đang ở đâu trên bản đồ bóng đá?
Milan, với 3 trận chung kết từ 2003 đến 2007 giờ liệu có còn nằm trong hàng ngũ những ông lớn của bóng đá châu Âu?
Hai mùa giải gần đây, thành tích của Man United, đội cũng đã có 3 trận chung kết từ 2008 đến 2011 như thế nào?
Barcelona còn bao nhiêu phần sức mạnh sau một quãng dài thống trị bóng đá châu Âu, với cái cách họ đã thể hiện trong hai lượt bán kết gặp Bayern?
Và như thế, hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Sau tột đỉnh vinh quang ngày hôm nay, sau 3 trận chung kết trong 4 mùa giải này, điều gì đang đón đợi Bayern ở phía trước?
2. Đỉnh vinh quang thường được mua bằng cái giá rất đắt. Người ta sẽ phải đánh đổi bằng rất nhiều tiền, rồi sau đó họ sẽ phải chịu áp lực của một nhà vô địch, tiếp tục phải chi đậm để duy trì thành công và có thể... loạn chính sách.
Đơn cử, người ta dễ nhận thấy Barca đã tiêu phí rất, rất nhiều tiền trên TTCN kể từ sau chức vô địch Champions League đầu tiên năm 2006, và sau nhiều năm, thực chất chỉ cải thiện rất ít sức mạnh trên cái nền La Masia vốn có.
Bayern Munich cũng đã tiêu khá nhiều tiền, và họ cũng đang chịu áp lực phải tiếp tục tiêu thêm tiền. Ít nhất là Goetze đã tới với giá khá cao (35 triệu euro), sau đây là một cái tên đắt đỏ nữa, có thể là Wayne Rooney.
Bayern Munich có thể duy trì được vị thế hàng đầu trong một thời gian dài, hay 3 trận chung kết trong 4 mùa giải đã đủ là sự kết thúc của một chu kỳ hoàng kim, như tất cả những ông lớn từng làm được điều đó trong lịch sử Champions League?
3. Nhìn lại lịch sử thì có lý do để hoài nghi vị thế của Bayern sau “cú ăn 3” này. Nhưng họ có một điều khác biệt so với tất cả những ông lớn từng ra oai tại châu Âu: Bayern Munich là một CLB Đức.
Mô hình làm bóng đá của người Đức đang được cả châu Âu ngưỡng mộ. Cả UEFA và Premier League, xưa nay quan điểm như trời và đất, cùng gật gù: mô hình ấy quá “xịn”, không tỳ vết.
Đến giờ phút này thì không ai dám tưởng tượng rằng một CLB như Bayern Munich có thể mất cân đối trong thu chi kiểu gì, có thể tự đẩy mình vào nợ nần như Barca hay Milan ra sao. Họ đã làm ăn chắc tay trong suốt 50 năm, kể từ khi Bundesliga ra đời.
Đó là lý do để CĐV có thể hy vọng rằng Bayern sẽ “hàng đầu cứ đi” trong một thời gian dài nữa.
Nhưng nếu chuyện diễn ra theo chiều ngược lại, thì cũng không có gì ngạc nhiên: có lên có xuống là quy luật của đời sống.