
Từ sau chức vô địch Champions League của Bayern năm 2001, phải đợi tới 12 năm người Đức mới lại ca khúc khải hoàn. Danh hiệu đầu tiên đánh dấu một chặng đường kéo dài 1 thập kỷ “tự phẫu thuật”. Mọi nền bóng đá đều có những giai đoạn suy thoái, nhưng điều quan trọng là họ tự thừa nhận sự sụp đổ, chấp nhận phá đi tất cả để xây mới, để cải tạo bản thân với khát khao chinh phục luôn thấm đẫm và cháy bỏng. Chưa bao giờ người Đức chờ danh hiệu lâu đến thế, vì vậy giá trị của chiến công lúc này càng trở nên đặc biệt.
Để một nền bóng đá được thừa nhận là thành công thực sự, cúp châu Âu hay Champions League không phải là thước đo cuối cùng. Như Premier League, họ thống trị một quãng thời gian dài ở đấu trường này, nhưng nó chỉ gói gọn ở cấp CLB. Chức vô địch Champions League của người Đức năm nay cũng không phải là cái đích cuối cùng họ hướng tới mà chỉ là một cột mốc đánh dấu cho cả chặng đường, với mục tiêu là chinh phục toàn thế giới ở mọi cấp độ. Trong lịch sử bóng đá Đức luôn có một sợi dây liên hệ giữa cấp độ ĐTQG với CLB. Cứ khi nào cấp CLB thành công là khi đó ĐTQG của họ vô địch EURO hoặc World Cup và ngược lại.
Thành tích đáng nể của Bayern trong 4 năm qua (3 lần vào chung kết Champions League) hoàn toàn tương đồng với sức mạnh của ĐT Đức. Kể từ sau World Cup 2006, không nền bóng đá nào trên thế giới có sự kế thừa, chuyển giao ổn định, vững chắc như Đức. Mặc dù vẫn núp sau cái bóng quá lớn của Tây Ban Nha, nhưng bóng đá Đức vẫn luôn sở hữu tiềm năng, sự bền vững mang tính chiến lược.

Chính người Anh cũng thừa nhận ngay từ sau World Cup 2010: Bóng đá Đức sẽ thống trị châu Âu, vấn đề chỉ là thời gian là bao lâu nữa để một thế hệ đủ chín. Câu trả lời là 3 năm. Một thế hệ vàng nữa của bóng đá Đức đã xuất hiện từ lâu, họ chỉ chờ đủ lớn để hoàn thiện mình bằng một danh hiệu lớn. Thế là đủ cho một cuộc chinh phục.
Trận chung kết toàn Đức không chỉ dừng lại ở cái tên mà nằm ở cả con người. Có tới 26 cầu thủ Đức đăng ký cho trận chung kết. Có 17 người trong số đó đang khoác áo ĐTQG. Đó là sự khẳng định của một thế hệ, một hệ thống, một nền tảng vững chắc chứ không chỉ là cái danh “hai đội Đức đá chung kết”. Nó khác hẳn với trận chung kết toàn Ý (2003) giữa lúc nền bóng đá Italia khủng hoảng, trận chung kết toàn Tây Ban Nha (2000) khi La Roja vẫn được gọi là “Vua vòng loại”, hay chung kết toàn Anh (2008) khi Tam sư chỉ là cái bóng mờ giữa rừng cầu thủ ngôi sao nước ngoài…
Vì thế, hãy tin rằng. Champions League 2013 sẽ chỉ là bàn đạp để bóng đá Đức thức tỉnh bản năng chinh phục. Đầu tiên là World Cup 2014…
Không hề trùng hợp khi mà sau chức vô địch World Cup 1954 của ĐT Đức thì năm 1960, Frankfurt có mặt ở trận chung kết C1 với Real Madrid. Năm 1972, ĐT Đức vô địch EURO thì năm 1974 họ đứng đầu thế giới đồng thời Bayern vô địch C1. Năm 1980, khi Hamburg lọt vào chung kết C1 (thua Nottingham 0-1) thì hơn 1 tháng sau, Đức vô địch châu Âu. Ba năm sau, chính Hamburg vô địch C1 (thắng Juventus 1-0). Chưa hết, sau khi Đức vô địch ở EURO 1996 trên đất Anh, chỉ 1 năm sau Dortmund trở thành CLB Đức đầu tiên đăng quang tại Champions League.
CON SỐ
3.Trên đường vào trận chung kết, Dortmund và Bayern đã đánh bại 3 đội ĐKVĐ của 3 giải đấu hàng đầu thế giới: Dortmund thắng Man City và Real Madrid, còn Bayern loại Juventus.
19.Có tổng cộng 19 cầu thủ của Bayern và Dortmund dự trận chung kết năm nay đã hoặc đang khoác áo ĐT Đức.
26.Tất cả 26 cầu thủ quốc tịch Đức đăng ký thi đấu ở trận chung kết Champions Laegue năm nay đều trưởng thành từ hệ thống đào tạo của Đức.
1974.Đó là năm thành công nhất của bóng đá Đức khi Bayern vô địch C1 và hơn một tháng sau, ĐT Đức vô địch World Cup.