
Allianz-Arena đang hỗn loạn và rạn nứt. Hình ảnh của một đội bóng lớn biến mất, thay vào đó là một tập thể bấn loạn, bế tắc đến thảm hại…
Những người bị chỉ trích nhiều nhất là T.Mueller, Boateng. Hai tuyển thủ Đức ngang nhiên chửi bới nhau ngay trên sân, bất chấp cả hàng triệu người đang xem trực tiếp. Có lẽ đó là hình ảnh tận cùng của một đội bóng đang rơi tự do, của những kẻ mất phương hướng. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm chính trong cả một chuỗi sự kiện này không phải T.Mueller hay Boateng. Nhân vật cần phải nhắc tới chính là HLV Heynckes.
Triệu chứng sa sút của Bayern đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng Heynckes đã không thể làm gì để vực lại đội bóng. Không khó để nhận thấy rằng, chính cựu HLV Leverkusen mới là người đầu tiên rơi vào tình trạng hoảng loạn, bất lực. Trong mùa Đông vừa qua, Heynckes hoàn toàn không có bất cứ động thái nào nhằm cải tổ Bayern cả về con người lẫn lối chơi. Mặc dù BLĐ đội bóng đã chấp nhận chi tiền để tăng cường lực lượng, đặc biệt là tìm người bổ sung vị trí hậu vệ phải quá yếu của Rafinha, nhưng Heynckes gạt đi và quên luôn TTCN mùa Đông. Và khi giai đoạn 2 đến, Bayern liên tục thất bại với điểm yếu chết người nằm ở đúng vị trí của Rafinha. Sự chịu đựng lên đến tột đỉnh là trận thua tại Basel.
Cùng với sai lầm khi tin dùng Rafinha, HLV Heynckes còn thiếu phương án giải quyết tồn tại ở hàng công với sự phụ thuộc quá nhiều vào Gomez. 447 phút không ghi bàn, Gomez vẫn được đá chính khi mà Petersen vẫn ngồi chơi xơi nước vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Olic khả dĩ hơn nhưng Heynckes luôn dùng tiền đạo này quá muộn và thiếu hợp lý.
Xét cho cùng, Heynckes không phải quá thiếu người đến mức phải dùng nguyên một đội hình suốt từ đầu mùa đến giờ. Vấn đề nằm ở chỗ ông quá cứng nhắc và thiếu linh hoạt trong đấu pháp. Ông luôn tổ chức đội hình 4-2-3-1 trong mọi trường hợp với sự quay vòng ở 6 vị trí: Schweinsteiger, Kroos, T.Mueller, Alaba và Gustavo (Ribery, Robben đóng đinh ở 2 cánh). Ngay ở trận thua Leverkusen vừa qua, Heynckes cũng loạn trong xử lý tình huống khi để T.Mueller đá cánh… trái thay Ribery. Rồi khi thua, ông loay hoay đưa đội hình trở lại vị trí cũ, khi tung Ribery, Olic vào sân, nhưng đã quá muộn.
Heynckes chưa đến mức bị “lên án” như Villas-Boas, nhưng không thể phủ nhận rằng, Heynckes cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những rối loạn trong nội bộ. Ngay từ đầu mùa, khi hàng loạt trụ cột thi nhau nhận thẻ đỏ vì đủ loại lý do, khiến Bayern liên tục khủng hoảng nhân sự, ông đã không có hành động nào.
Đến khi Badstuber và T.Mueller hục hặc nhau trong đường hầm sau trận thua Basel, Heynckes cũng coi như không biết. Chính những sự vô kỷ luật đó đã tích tụ thành một vấn nạn, mà đỉnh điểm là vụ T.Mueller và Boateng xô xát bôi xấu hình cảnh của cả một đội bóng.
Heynckes là một HLV đầy kinh nghiệm, nhưng ngay ở thời điểm này ông đang mất phương hướng với một Bayern đang rối loạn, một Bayern đứng trước bờ vực của sự tan vỡ.
THỐNG KÊ
1. Leverkusen có chiến thắng đầu tiên trước Bayern kể từ năm 2004.
3. Sau 10 năm, Bayern mới trải qua 3 trận liền sân khách không ghi bàn (trước Freiburg, Basel, Leverkusen).
7. Hoffenheim đã san bằng kỷ lục 7 trận hòa liên tiếp trên sân nhà tại Bundesliga của Cologne (1991/92) và Saarbruecken (1977/78).
8. Dortmund lập kỷ lục mới của CLB với 8 trận thắng liên tiếp.
CHÂN SÚT HÀNG ĐẦU
18 bàn: Gomez (Bayern), Huntelaar (Schalke)
16 bàn: Lewandowski (Dortmund), Podolski (Cologne)
15 bàn: Pizarro (Bremen)

Bongdaplus.vn