HẾT TEVEZ LẠI ĐẾN NASRI “DIỄN TRÒ”
Ngay sau khi Carlos Tevez bị phạt 250 giờ lao động công ích và cấm lái xe 6 tháng vì tội lái xe khi đã bị giữ bằng, lại đến Nasri trắng trợn vi phạm luật giao thông. Chiếc Mercedes của tiền vệ này đã bị camera bắn tốc độ chụp lại trong 3 lần hồi năm 2011. Lần đầu tiên là tháng 9, khi anh lái xe với tốc độ 70 dặm/h trong khu vực giới hạn 40 dặm/h. Lần thứ 2 là tháng 10, với tốc độ 39 dặm/h (giới hạn 30) và lần cuối là tháng 12, 38 dặm/h trong khu vực giới hạn 30. Tổng cộng, Nasri bị phạt 1.900 bảng, chưa bằng 1/70 tuần lương của anh. Nhưng ngôi sao người Pháp đã lờ đi việc nộp phạt trong hơn 1 năm, để rồi cuối cùng nhận trát của tòa án.
Tất nhiên, việc lái xe vượt quá tốc độ cho phép là một lỗi nhỏ. Nhưng thái độ của các ngôi sao Man City sau khi bị phạt lại khá giống nhau: họ phớt lờ chính quyền. Tevez thì vẫn tiếp tục lái xe sau khi đã bị cấm. Nasri liên tục tái phạm và không chịu nộp một số tiền “cỏn con”. Sự coi thường luật pháp này tất nhiên ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của Man City.
Phía dưới phần đưa tin của tờ Daily Mail, một độc giả bình luận: “Có những loại người nghĩ rằng họ ngồi trên luật pháp”. Một người khác tỏ thái độ bức xúc: “Những tay này không quan tâm gì đến các án phạt. Họ cho rằng mình có thể thuê tài xế riêng, có thể đi taxi suốt phần đời còn lại, thậm chí sở hữu hãng taxi. Phạt họ dường như chẳng giải quyết được vấn đề gì”.
MỘT HOLLYWOOD CỦA NƯỚC ANH
Trước khi bấm máy bộ phim đua xe tốc độ “Nasri và Tevez”, Hollywood của thành Manchester đã từng thực hiện nhiều bộ phim kịch tính, hấp dẫn và đa dạng về đề tài. Chính trị thì có scandal liên quan đến email của GĐĐH Gary Cook năm 2011, khi ông này gửi cho mẹ của Nedum Onuoha những lời xúc phạm.
Sau đó Gary Cook từ chức. Tâm lý thì có cuộc “đấu trí” giữa Carlos Tevez và HLV Roberto Mancini, được đẩy lên cao trào sau khi cả 2 từ mặt nhau, nhưng rồi kết phim lại… chẳng ai hiểu gì. Hành động thì vô khối, đặc biệt là những thước phim với sự góp mặt của tài tử Mario Balotelli. Các vai phụ trong những loạt phim hành động Super Mario thủ vai cũng rất đa dạng: từ Micah Richards, Vincent Kompany cho đến chính HLV Roberto Mancini.
Thật ra thì việc trở thành một “xưởng phim” là vấn nạn của nhiều CLB lớn với các ngôi sao lớn. Nhưng vấn đề của hãng phim Man City và đạo diễn Mancini là họ tạo ra quá nhiều phim thị trường, câu khách, mà một bộ phim thể thao có chiều sâu nội dung thực sự, thì thai nghén mãi vẫn chưa thể ra đời.