
Cây viết David Lacey của tờ Guardian từng mô tả: cái bắt tay trong thể thao giống như việc “bạn tự biến mình từ kẻ thất bại thành người chiến thắng”. Nhà thơ người Romania, Paul Celan thì nói, ông “không tìm ra điểm khác nhau cơ bản nào giữa một nhà thơ đích thực và một cái bắt tay thật chặt”.
1. Bước vào viện bảo tàng Pergamon, thủ đô Berlin, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một bản điêu khắc cổ, có niên đại khoảng 2.500 năm, khắc hình ảnh 2 chiến binh La Mã cổ đại đang thực hiện nghi lễ bắt tay trước trận chiến. Trong tài liệu của nhà quý tộc người Anh, Sir Walter Raleigh có viết thêm, vào khoảng thế kỷ 16, văn hóa Anh đã xuất hiện một khái niệm kinh điển của cái bắt tay. Raleigh khẳng định, bắt tay là hình ảnh đại diện cho sự hòa bình, “cho những bàn tay không cầm vũ khí”.
Nhưng một nghi lễ đã tồn tại cùng sự vận chuyển của thời gian bỗng trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi ở Anh trong suốt thời gian qua. Với từ khóa “Handshake in sport” thì trên Google, gần như toàn bộ kết quả đều xoay quanh thứ văn hóa lệch lạc được trung vệ đội trưởng Chelsea, John Terry khơi nguồn, và rồi được Suarez đưa lên đỉnh điểm nóng bỏng.
2. Tối 11/2, M.U gặp Liverpool, Suarez tái ngộ Evra. Có lẽ chưa bao giờ nghi lễ bắt tay trước trận được nhiều ống kính hướng vào đến thế. Tất cả đều chờ đợi Suarez và Evra thực hiện một cái bắt tay, chấm dứt những mâu thuẫn giữa chính họ, và cao hơn là lấy lại sự trong sáng cho khái niệm “văn hóa bóng đá”.
Nhưng cho dù Evra đã chủ động đè nén cái tôi, níu kéo Suarez ít nhất 2 lần, chân sút của Liverpool vẫn đi thẳng. Đó là một hình ảnh rất xấu. Nó xấu chẳng phải vì người ta sẽ trách Suarez nhỏ mọn, thù dai hay tệ hơn nữa là vô văn hóa.
Anh là đất nước của những quý tộc. Tất nhiên, người ta không đòi hỏi cầu thủ phải xử sự như giới quý tộc, đặc biệt là cầu thủ ngoại. Nhưng trong tình huống của Suarez, dư luận trách anh 1, thì trách HLV Kenny Dalglish 10. Hãy tin rằng, chẳng phải Evra bỗng dưng chủ động bắt tay Suarez. Anh làm theo lời của Sir Alex – một quý tộc thực sự.
Còn Dalglish, người được CĐV yêu mến gắn thêm chữ “King” đầy tôn kính sẽ nói sao khi cậu học trò được ông hết lòng bảo vệ, đang gián tiếp cổ xúy cho thứ văn hóa lệch lạc trong bóng đá: Không bắt tay đối thủ.
3. Bóng đá là môn thể thao mang tính xã hội hóa rất cao. Người ta không cổ xúy, tô đậm thêm sự thù hằn cá nhân không đến mức độ quá nghiêm trọng như Suarez và Evra. BBC từng đưa số liệu thống kê cho rằng, trong tất cả những ngoại lực ảnh hưởng tới hành vi của giới trẻ Anh, văn hóa bóng đá chiếm tới 12%. Thế mới có chuyện chính phủ Anh thường mượn tay các cầu thủ nổi tiếng trong nhiều chương trình tuyên truyền mang tính đại chúng (như chuyện hạn chế dùng dao trong giới trẻ cách đây 2 năm).
Dư luận Anh chắc đang tự hỏi: Tại sao phân biệt chủng tộc ở đâu cũng có, nhưng tại Premiership, sự thù hằn lại được đẩy lên tới mức nghiêm trọng như vậy? Tại sao một giải đấu chứa rất nhiều triệu phú bóng đá, lại đang tạo ra một thế hệ cầu thủ gián tiếp hủy hoại một nghi lễ văn hóa đã tồn tại hơn 2.000 năm?
Ít ai biết rằng, trong một số trường đào tạo bóng đá ở Anh, điều đầu tiên mà các cầu thủ nhí phải lĩnh hội chính là văn hóa bắt tay đối thủ, là văn hóa tha thứ. Nhưng, liệu khi nhìn những đàn anh như Suarez, Terry, Anton Ferdinand, các em sẽ học được gì? Tại sao đòi hỏi sự tha thứ từ Suarez lại khó như vậy, dù hành động phân biệt chủng tộc của anh hoàn toàn sai?
Lại suýt ẩu đả
Cảnh sát đã phải can thiệp để ngăn cản cầu thủ Man Utd và Liverpool khỏi một cuộc ẩu đả sau những rắc rối xung quanh việc Luis Suarez từ chối bắt tay Patrick Evra.
Trước đó, trận đấu giữa Man Utd và Liverpool rất được chú ý bởi những vấn đề ngoài chuyên môn. Nguyên do bởi đây là lần đầu tiên Suarez gặp lại Evra sau nghi án phân biệt chủng tộc khiến tiền đạo người người Uruguay bị treo giò 8 trận. Những yếu tố bên lề càng được chú ý hơn vấn đề chuyên môn khi Suarez từ chối bắt tay Evra. Hình ảnh Suarez từ chối Evra bất chấp sự can thiệp của hậu vệ đội trưởng Man Utd đã trở thành chủ đề bình luận không chỉ tại Anh mà còn trên khắp châu Âu. Tất nhiên, Premiership bị mất điểm rất nhiều sau scandal trên. Thế nhưng, giải đấu số 1 Anh còn may mắn chán khi tránh được một cuộc ẩu đả giữa cầu thủ hai đội.
Theo báo chí Anh, giờ nghỉ giải lao giữa 2 hiệp, Evra đã chờ Suarez trên đường vào phòng thay đồ để nói chuyện với tiền đạo Uruguay về việc từ chối bắt tay. Nỗ lực tiếp cận Suarez của Evra lập tức bị hậu vệ Skrtel ngăn cản và họ đã lời qua tiếng lại với nhau. Vụ lộn xộn thu hút cầu thủ hai đội và sau 5 phút tranh cãi, mọi chuyện trở nên hết sức căng thẳng. Rất may là cảnh sát đã có mặt kịp thời để ngăn cản một vụ ẩu đả không đáng có.
Bongdaplus.vn