Cuối năm 2011, khi Lee Cattermole và Nicklas Bendtner của Sunderland bị cảnh sát bắt vì tội phá hoại tài sản trong tình trạng say xỉn, HLV Martin O’Niell đã nói một câu rất hay: “Cầu thủ của giải đấu này được hưởng một vị thế tài chính rất tốt đẹp, họ gần như mang một món nợ phải trả vậy. Họ cần cư xử có trách nhiệm hơn”.
Mặt bằng lương của Premiership luôn thuộc hàng cao nhất châu Âu. Hẳn rất nhiều người trong số các cầu thủ tin rằng, trình độ của mình xứng đáng được nhận mức lương ấy vì tài năng xuất chúng. Nếu căn cứ trên mức lương, những người như Joey Barton hay Bobby Zamora có đẳng cấp ngang bằng với Franck Ribery, Schweinsteiger và cao hơn Lukas Podolski (chơi ở Bundesliga, giải đấu nổi tiếng chặt chẽ về chi tiêu). Nhưng trình độ của họ thực sự tương đồng?
Chắc chắn là không. Cầu thủ của Premiership nhận lương cao là bởi họ được chơi bóng ở giải đấu được chú ý nhất hành tinh, căn cứ vào giá trị bản quyền truyền hình. Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm. Khi chơi bóng ở giải đấu được chú ý nhất, anh cũng phải cư xử chừng mực nhất. Đó là “món nợ” mà Martin O’Neill nói tới. Tiếc rằng không phải ai cũng hiểu.
"Tiền bạc là nguồn gốc của quỷ dữ", ngạn ngữ phương Tây nói.
“Mày có biết tao là ai không?” – Daniel Agger của Liverpool đã gào vào mặt một người khách ở phòng kế bên trong khách sạn ở thủ đô Copenhagen khi anh này đến phàn nàn về tiếng ồn mà Agger và Bendtner gây ra. Nhiều chàng trai giàu có của Premiership mang trong mình ảo tưởng rằng họ vĩ đại. Họ sở hữu một hợp đồng “ngon lành” đến mức có quyền tự cho mình ăn chơi bốc giời và không phải lo lắng về tương lai.
Có thể nói rằng chính việc Premiership phát triển quá nóng, lương cầu thủ liên tục phá mức trần và việc nhập siêu cầu thủ ồ ạt từ nhiều nền văn hóa, đã khiến giá trị đạo đức trong bóng đá ở Anh xuống cấp trầm trọng. Ở các quốc gia có chiến lược phát triển bóng đá thận trọng hơn, như Đức và Pháp, ngoài những ngoại binh, một bộ phận lớn cầu thủ vẫn được đào tạo trong nước. Những giá trị đạo đức bóng đá, từ phương cách ứng xử cho tới việc tôn trọng màu cờ sắc áo sẽ được truyền đạt chính vào giai đoạn họ còn là một chú bé. Một ví dụ đơn giản: nếu Luis Suarez trưởng thành từ lò đào tạo Liverpool, anh sẽ biết rằng cái từ “negro” (đen) trong tiếng Tây Ban Nha, cho dù ở quê hương Uruguay của anh có mang nghĩa thân mật thế nào, cũng không được phép nói trên sân cỏ nước Anh. Ở Ligue 1, La Liga và Bundesliga, tỷ lệ cầu thủ nội thường ở mức 60-70%. Ở Anh là tỷ lệ ngược lại. Liệu có thể giữ gìn trật tự trong một cái “trung tâm nhập cư” khổng lồ như thế, và đặc biệt là khi những người nhập cư lại được đối xử như những ông hoàng?
Món nợ đạo đức cầu thủ nợ, thứ mà khán giả Premiership đã “cho vay” bằng việc chấp nhận một giá vé và giá BQTH trên trời, rất khó đòi lại.
Bongdaplus.vn