![](http://ithethao.com/library/images/football1/Fairplay_khai_niem_mo_ho_big.jpg)
Fair-play trong bóng đá là một khái niệm tương đối cảm tính. Ngay cả trong 6 tiêu chí đánh giá khái niệm “fair-play” mà UEFA đưa ra để tạo thành BXH Fair-play cho các liên đoàn thành viên cũng bao gồm những tiêu chí cảm tính. Sáu tiêu chí đó là: 1. Thẻ vàng và thẻ đỏ, 2. Lối chơi tích cực, 3. Tôn trọng đối thủ, 4. Tôn trọng trọng tài, 5. Hành xử của các quan chức đội bóng, 6. Hành xử của CĐV.
Trong số đó, 4 tiêu chí “thẻ vàng và thẻ đỏ”, “tôn trọng đối thủ”, “cách hành xử của quan chức đội bóng” và “tôn trọng trọng tài” là dễ đánh giá nhất. Nhưng ngoài “thẻ vàng và thẻ đỏ” là tiêu chí có thể được chấm nhiều điểm nhất (tối đa 10 điểm/trận), các tiêu chí còn lại không đóng vai trò quan trọng bằng “Lối chơi tích cực”.
Lối chơi tích cực, được chấm tới 10 điểm, tức là ngang bằng với tiêu chí rõ ràng và quan trọng nhất là số thẻ, sẽ được chấm điểm bởi một giám sát viên trận đấu, với những ghi nhận về lối chơi tấn công, nỗ lực tìm kiếm bàn thắng, tốc độ trận đấu,… Đây là một trong những tiêu chí gây tranh cãi nhiều nhất của fair-play, bởi triết lý bóng đá của mỗi đội là khác nhau, và việc chơi tấn công có phải là vẻ đẹp tối thượng mà người ta đi tìm kiếm trong bóng đá, hay một chiến thuật hợp lý kiểu người Đức và người Italia mới là đỉnh cao, không một ai có thể đưa ra câu trả lời cuối cùng. Đó là vấn đề của quan điểm. Nhưng UEFA thì không nghĩ như vậy: với họ, phải liên tục tấn công và tìm kiếm bàn thắng (cho dù đã dẫn trước) mới là “fair-play”. Có thể nói rằng tiêu chí này hoàn toàn nằm ngoài khả năng quyết định của các đội bóng và cầu thủ. Nó phụ thuộc vào cảm nhận của vị giám sát viên.
Điều đặc biệt ở Premiership là khi xây dựng BXH Fair-play của riêng mình, BTC giải đấu này bỏ qua tiêu chí cuối cùng mà UEFA đưa ra: “Hành xử của CĐV”. Các sân bóng Anh là nơi mà những lời lăng mạ tập thể hay phân biệt chủng tộc diễn ra với mật độ rất thường xuyên, và không thể nói rằng điều này không ảnh hưởng tới tâm lý của cầu thủ trên sân. Đã có rất nhiều trường hợp cầu thủ có hành vi không đẹp, nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ phản ứng của đám đông. Ví dụ như khi Adebayor chạy một vòng sân để khiêu khích CĐV Arsenal sau khi ghi bàn cho Man City, hẳn nhiên đội bóng của anh sẽ bị trừ điểm. Nhưng còn những lời lẽ miệt thị của CĐV Arsenal, nguyên nhân chính của hành động dại dột ấy, tại sao không được tính đến? Một khái niệm “Fair-play” thiếu đi tiêu chí này, hoàn toàn méo mó.
Khi không hề đưa ra một đánh giá khách quan và thậm chí không thể làm rõ ràng khái niệm “Fair-play”, nó không thể trở thành động lực để những người chơi bóng ở xứ sở này hoàn thiện bản thân.
Bongdaplus.vn