Muốn trụ hạng Premier League, không được nóng nảy
HẠN CHẾ THAY “TƯỚNG”
Hôm qua, kênh thể thao ESPN đã gây chú ý qua buổi ghi hình với chủ đề: “Cần làm gì để trụ lại Premier League?”. Họ đưa ra nhiều giải pháp như: tập trung nâng cấp hàng thủ, tuyển mộ ít nhất một tiền đạo tốt, tránh xa rắc rối bên ngoài sân cỏ cũng như trong phòng thay đồ… Nhìn chung những ý kiến đó mang tính tổng quan và đội bóng nào cũng muốn thực hiện điều này. Song có một vấn đề quan trọng mà các CLB ít khi thực hiện lại không được nhắc tới. Đó là: hạn chế thay HLV.
Lịch sử Premier League cho thấy, nhiều CLB thường xem việc “trảm” HLV như là giải pháp xốc lại đội bóng để phục vụ cho cuộc đua trụ hạng. Thế nhưng, hiệu quả của phương án này thường không được như mong đợi. Sự kiên nhẫn có giá của nó và Leicester mùa giải trước đã được phần thưởng xứng đáng nhờ luôn đặt niềm tin vào nhà cầm quân của mình.
Tại Premier League 2014/15, Leicester thường xuyên ngụp lặn ở khu vực “cầm đèn đỏ”. HLV Nigel Pearson nhận nhiều ý kiến chỉ trích, song vẫn được BLĐ đội bóng tin tưởng. Niềm tin đó đã được báo đáp khi Leicester bùng nổ trong giai đoạn cuối mùa bóng để kết thúc ở vị trí thứ 14 đầy thành công trước khi ông ra đi vào cuối mùa để nhường ghế cho Claudio Ranieri.
Những gì mà Leicester thực hiện khác hẳn với cách mà Norwich, Fulham và Cardiff ứng phó tại mùa giải 2013/14. Cả 3 CLB nói trên đều thay HLV khi tình trạng chưa đến nỗi ngặt nghèo, để rồi sự thiếu kiên nhẫn đó đã phải trả giá bằng kết quả xuống hạng.
KIÊN ĐỊNH TRÊN CẢ CHẶNG ĐƯỜNG
Những đội bóng mới lên hạng tại Premier League có hai con đường để lựa chọn . Thứ nhất, vung tiền trên thị trường chuyển nhượng để bước vào mùa giải mới với đội ngũ được thay máu toàn diện. Thứ hai, là kiên nhẫn với chiến lược đã được hoạch định từ trước.
Hiệu quả của hai phương án này thường khác xa nhau. Việc ném tiền tuyển tân binh có thể giúp các đội bóng mới lên hạng bớt bỡ ngỡ với giải đấu cao nhất nước Anh. Nhưng tác dụng lâu dài không mấy sáng sủa. QPR là minh chứng rõ nhất cho phương pháp này. Họ từng vung tiền mua nhiều tên tuổi như Loic Remy, Julio Cesar, Park Ji-sung… nhưng chỉ có thể trụ lại Premier League tối đa hai mùa bóng.
Trong khi đó, con đường thứ hai tuy gian khó nhưng về lâu dài mang hiệu quả tốt hơn. Swansea và Southampton đều đã kiên định đi trên con đường của mình. Họ thực hiện nghiêm túc lộ trình đã vạch ra để rồi sau đó có dịp tiến ra sân chơi châu Âu. West Brom hay Crystal Palace cũng bước đi trên con đường đó. Hai đội bóng này từng trải qua giai đoạn lên hạng rồi xuống hạng, nhưng cuối cùng cũng có được chỗ đứng khá vững tại Premier League.
Watford bạo chi, Norwich dùng “hàng” cũ
Có sự khác biệt trong phong cách chuẩn bị của các tân binh tại Premier League cho mùa giải 2015/16. Norwich sẽ bước vào chiến dịch trụ hạng với phần lớn đội hình cũ, những người đã giúp họ chinh chiến tại giải hạng Nhất mùa trước. Hiện tại, Norwich mới có 4 tân binh và chỉ trả phí chuyển nhượng cho một cầu thủ là Robbie Brady. Trái lại, Watford và Bournemouth thay máu gần hết đội hình. Trong đó, Watford mua sắm hết 21 triệu bảng và đón về tới 10 cầu thủ mới.