Premier League sẽ khẳng định đẳng cấp ngoại hạng
THẾ NÀO LÀ HẤP DẪN?
Cựu HLV David Moyes của Man United từng nói: “Mùa này (2015/16), có thể bạn sẽ chứng kiến một Premier League dở nhất trong nhiều năm qua”. Moyes hiện là HLV Real Sociedad, một đội bóng trung bình ở La Liga. Moyes may mắn được nắm M.U (nhờ tiến cử của Sir Alex Ferguson) nhưng thất bại thảm hại, bị sa thải ngay ở mùa giải đầu tiên tại Old Trafford, và thậm chí là khi mùa bóng ấy (2013/14) chưa kết thúc. Nói cách khác, Moyes không đủ trình độ dẫn dắt những CLB hàng đầu tại giải Ngoại hạng Anh, nơi các HLV lừng danh như Arsene Wenger, Louis van Gaal, Manuel Pellegrini, Jose Mourinho đang tranh tài.
Các nhà cầm quân kể trên đều khẳng định “chưa bao giờ giải Ngoại hạng Anh khốc liệt và hấp dẫn như hiện nay”. Nói cách khác, có không dưới 5 ứng viên vô địch sáng giá, và những chú ngựa ô đáng gờm như Tottenham. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa rất nhiều đội ở nhóm đầu chỉ có ở Premier League, nếu xét trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Ở Italia, Juventus là bá chủ. Tại Đức, là Bayern Munich.
Ở Pháp, PSG vô đối. Tại Tây Ban Nha, Real Madrid và Barcelona tranh chấp tay đôi. Dẫn dắt Barca là Luis Enrique vốn chưa thể so sánh đẳng cấp với các HLV ở các đội hàng đầu tại Anh. Còn Rafa Benitez (tân HLV Real) chỉ lừng lẫy trong quá khứ, chứ hiện tại đang xuống dốc nhưng bất ngờ được Real chấm để thay Carlo Ancelotti. Rất nhiều nhà chuyên môn dự đoán đó là sai lầm lớn của chủ tịch Florentino Perez.
Premier League 2015/16: Hứa hẹn hấp dẫn và kịch tính
ĐẤU TRƯỜNG TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ
Không phủ nhận thành tích của các đội Premier League ở đấu trường Champions League trong 5 năm qua không tốt như 5 năm trước đó, khi gần như các CLB Anh thống trị châu Âu. Điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan là sự vươn lên đáng khen của Real, Barcelona và Bayern Munich. Tuy nhiên, nếu cho rằng Premier League đã sa sút thảm hại thì hơi quá, bởi rất khó duy trì sự thống trị gần như tuyệt đối ở đẳng cấp Champions League suốt một thời gian dài. Hãy lấy một thống kê cụ thể là từ mùa 2005/06 đến 2009/10, Premier League có 1 nhà vô địch Champions League (M.U năm 2008). Từ 2010/11 đến 2014/15, Premier League cũng có 1 nhà vô địch Champions League (Chelsea năm 2012).
Tuy số đội bóng Anh vào sâu ở Champions League giảm khá rõ trong 5 năm gần đây (nếu so với 5 năm cực thịnh trước đó) nhưng khó phủ nhận ở sân chơi đỉnh cao châu Âu, coi như chức vô địch thường chỉ là cuộc so tài giữa các đại diện Anh và 3 đội thường trực là Real, Barca, Bayern. Những hiện tượng thú vị như Atletico Madrid, Dortmund, Juventus đã lọt vào chung kết những năm gần đây, nhưng cùng thất bại, chỉ là bất ngờ nhất thời, không mang tính chiều sâu (liên tiếp góp mặt ở giai đoạn bán kết Champions League hoặc xa hơn nữa).
Mùa trước, nếu có thêm chút may mắn thì Chelsea và Arsenal đã vượt qua PSG và Monaco, còn Man City cũng đã có cơ hội gây bất ngờ trước Barca nếu Sergio Aguero sút thành công quả phạt đền tại Nou Camp. Trước đó một mùa, Chelsea không thật sự hay cũng vào đến bán kết Champions League. Cách đây chỉ 3 năm, vô địch châu Âu là một CLB Anh (Chelsea-2012).
Bóng đá Anh ở bình diện châu Âu có sa sút, nhưng không thê thảm như một số nhận định bi quan của các anti-Premier League. Sẽ có người vin vào tổng số bàn thắng của giải Ngoại hạng Anh mùa trước thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (975 bàn, so với 1.052 ở mùa trước đó), hoặc tỷ lệ bàn thắng bình quân/trận (2,56 bàn/trận) thấp nhất trong 5 năm qua để cho rằng Premier League kém hấp dẫn.
Tuy nhiên, hãy nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác. Chính vì Premier League hấp dẫn và quyết liệt nên ghi bàn ngày càng khó, dù đa số các CLB đều chọn lối chơi tấn công và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Còn nữa, các đội ở nhóm cuối bảng vẫn có thể gây khó dễ và lấy điểm của các đội tốp đầu, nên đòi hỏi về chuyên môn và sức bền tại Premier League ngày một cao. Đó cũng là nguyên nhân đáng kể khiến các CLB Anh phải bung sức quá nhiều cho giải quốc nội, từ đó không còn sức tốt nhất để thi thố ở Champions League.
10 tân binh được kỳ vọng nhất Premier League 2015/16
CÓ TIỀN LÀ CÓ TẤT CẢ
Premier League vẫn là giải giàu có và dễ thu hút sao nhất thế giới. Nếu Cristiano Ronaldo và Lionel Messi không đến Premier League thì đó là vì các CLB chủ quản không chịu bán họ, và hai siêu sao này cũng không muốn ra đi chứ không phải vì các CLB Anh không đủ tiền mua. Ở tầm thấp hơn Ronaldo và Messi là Benzema, Reus, Cavani... David de Gea muốn rời M.U không phải vì đãi ngộ thấp, mà vì sức hút Real Madrid (chỉ là cá biệt tại châu Âu, cùng với Barca) quá lớn.
Các CLB Anh sẵn sàng làm mới và mạo hiểm. Man United đẩy Angel di Maria đi, chịu lỗ nặng. Cầu thủ Argentina này thành công rực rỡ ở La Liga, nhưng không thích ứng nổi ở Premier League, tương tự Radamel Falcao. Nếu Premier League kém La Liga, lẽ ra Di Maria phải “làm mưa làm gió” tại M.U. Nhiều danh thủ lớn như Shevchenko, Veron, Crespo... từng thất bại ở Premier League, nhưng từ nước Anh ra đi thì lại rực sáng dễ dàng (Ronaldo, Bale, Suarez...).
Premier League chắc chắn không chỉ là sản phẩm của PR!
Khó giữ ngôi vương như Premier League
Trong 7 mùa giải gần nhất, tất cả các nhà vô địch Premier League đều không bảo vệ được danh hiệu của mình. Cùng quãng thời gian đó, Serie A vừa chứng kiến Juventus lần thứ 4 liên tiếp đăng quang, Bundesliga cũng chứng kiến Bayern lần thứ 3 liên tiếp giành Đĩa bạc. PSG cũng lần thứ 3 liên tiếp giành ngôi vương Ligue 1 và Barcelona vô địch La Liga 3 mùa liền từ 2008/09 đến 2010/11.
Bàn thắng giảm, độ quyết liệt tăng
So sánh những mùa giải gần đây, tỷ lệ bàn thắng trung bình mỗi trận ở Premier League đang giảm dần dù nhiều đội chọn lối chơi tấn công và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Việc ghi bàn trở nên khó hơn cho thấy độ quyết liệt và tính cân bằng ở Premier League đang tăng lên.