M.U chú ý, Van Gaal thường khởi đầu chậm chạp ở những đội bóng mới
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 17/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
HLV người Hà Lan đã nói ưu tiên số 1 của ông là thiết lập lại sự đoàn kết và tin cậy lẫn nhau “vốn có sẵn trong DNA của Man United”. ĐT Hà Lan của ông ở World Cup đã chơi rất thành công chính nhờ tinh thần đó với cảm hứng từ Arjen Robben cùng Robin van Persie. “Tôi hy vọng rằng Man United hiện giờ sẽ trở thành một khối vững chắc”, Van Gaal nói tuần trước.
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng với ông nếu hy vọng mọi chuyện có thể thay đổi sau một đêm. Sự quyết tâm và hiệu quả mà Hà Lan thể hiện ở Brazil mùa hè này là thành quả của 2 năm gây dựng. Lịch sử đã chứng minh các phương pháp của Van Gaal rốt cuộc sẽ mang tới thành công, nhưng sẽ cần thời gian để đơm hoa kết trái. Các CĐV Man United hy vọng những chiến thắng tưng bừng ngay lập tức và liên tục có thể sẽ thất vọng.
Nghiên cứu 17 năm làm HLV ở các CLB của Van Gaal mang lại nhiều kết luận soi sáng. Thường thì các đội bóng của ông khởi đầu một cách chậm chạp. Van Gaal đảm nhận dẫn dắt Bayern Munich vào mùa hè 2009. Sau 13 trận, ông chỉ có 5 chiến thắng và Bayern xếp thứ 7 vào cuối tháng 11. Họ cũng không thắng 3 trận đầu ở vòng bảng Champions League. Tuy nhiên tới tháng 5, đội bóng Đức đã tìm lại phong độ, vô địch Bundesliga và vào chung kết Champions League, nơi Van Gaal bị Inter Milan của Jose Mourinho đánh bại.
HLV Van Gaal và trợ lý Ryan Giggs
Những khởi đầu buồn nản đã trở thành điển hình trong lý lịch của Van Gaal, điều mà nhiều CĐV Man United sẽ đem ra so sánh với Sir Alex Ferguson.
Ở CLB Hà Lan AZ Alkmaar, Van Gaal đã làm được điều khó tin khi hạ bệ bộ ba Ajax, PSV và Feyenoord để vô địch Eredivisie năm 2009. Tuy nhiên, chiến thắng đó chỉ đến sau các thất bại liên tiếp vào đầu mùa dưới tay những đối thủ yếu NAC Breda và Ado Den Haag. Sau 11 trận, AZ cũng chỉ xếp thứ 4.
Dù giai đoạn ông nắm quyền ở Ajax (1991-97) cũng là thời kỳ sản sinh ra một trong những đội bóng đáng ngưỡng mộ nhất lịch sử, phải nhắc rằng Van Gaal cần tới 3 mùa bóng mới có danh hiệu Eredivisie đầu tiên ở Amsterdam.
Mùa đầu tiên của ông ở Catalunya cũng rất thành công, vô địch La Liga sau một khởi đầu ấn tượng (Barcelona xếp thứ 2 sau 14 trận), nhưng nhiều CĐV địa phương không ưa thích phong cách bóng đá của Van Gaal. Trong cuốn sách của mình, Barca: A People’s Passion (Barca: Tình yêu của nhân dân), tác giả Jimmy Burns phản ánh cảm xúc của CĐV vào cuối mùa đầu tiên với Van Gaal: “Sự đánh giá với Van Gaal là ông thiếu sự nhân bản của Bobby Robson và sự yêu mến như dành cho Johan Cruyff… Barca có thể vô địch giải đấu, nhưng các CĐV không thấy thuyết phục. Họ phải chứng kiến đội bóng chơi tệ hại ở châu Âu và thiếu phong cách ở trong nước”.
Van Gaal có các danh hiệu La Liga 1998 và 1999, nhưng ông không bao giờ được yêu mến thật sự ở Barca. Tính tới tháng 12/1998, đội bóng của ông xếp thứ 10 sau 14 trận, chỉ thắng 5 trận. Nhưng tiếp theo là 19 chiến thắng trong 24 trận còn lại và Barca đăng quang lần nữa.
HLV Van Gaal hồi còn dẫn dắt Barca và Sir Alex
Đó là một kịch bản quen thuộc với người đàn ông có biệt danh “Hoa tulip sắt” vì sự tự tin thái quá và cái tôi rất lớn của ông. Chính tính cách đó giúp Van Gaal vẫn lì lợm ở lại một đội bóng, ngay cả khi tất cả chống lại ông.
Phong cách đó không phải ở đâ cũng được chào đón. Chủ tịch Bayern Uli Hoeness từng nhận xét: “Vấn đề của Louis van Gaal không phải ở chỗ ông tự coi mình là Chúa trời, mà vì ông ta nghĩ mình là Chúa cha! Louis đã có mặt trước khi thế giới này tồn tại”.
Man United đang cần sự kiêu ngạo đó sau những ngày tháng ảm đạm dưới thời Moyes, nhưng họ cũng sẽ cần cả sự kiên nhẫn nữa, với Van Gaal.
Những khởi đầu của Van Gaal
Barcelona (lần thứ nhất)
1997-98: hạng 2 sau 14 trận (thành tích cuối mùa: vô địch)
1998-99: hạng 10 sau 14 trận (vô địch)
Barcelona (lần thứ hai)
2002-03: hạng 13 sau 14 trận (bị sa thải vào tháng 1 khi CLB xếp thứ 12. Thành tích cuối mùa: hạng 6).
AZ Alkmaar
2005-06: hạng 3 sau 13 trận (hạng 2)
2006-07: hạng 3 sau 13 trận (hạng 3)
2007-08: hạng 10 sau 13 trận (hạng 11)
2008-09: hạng 4 sau 11 trận (vô địch)
Bayern Munich
2009-2010: hạng 7 sau 13 trận (vô địch)
2010-2011: hạng 8 sau 13 trận (bị sa thải vào tháng 4 khi CLB xếp hạng 4. Thành tích cuối mùa: hạng 3)