Đẳng cấp của Van Gaal
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 17/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Chức VĐQG Anh là mục tiêu số 1 của M.U và Van Gaal ở mùa giải 2014/15, nhưng cần lưu ý rằng trong vòng 15 năm qua Van Gaal chỉ 2 lần giành được chức VĐQG. Nếu như chức vô địch Đức năm 2010 cùng Bayern Munich là điều không khó dự đoán (vì Bayern quá mạnh trong khuôn khổ Bundesliga) thì danh hiệu vô địch Hà Lan cùng AZ Alkmaar năm 2009 thật sự là một chiến công lớn. Nhưng, đó chẳng phải là thành tựu vĩ đại nhất của Van Gaal. Những gì người ta chờ đợi ở Van Gaal tại M.U chắc chắn lớn hơn nhiều. Sự háo hức (xen lẫn tò mò) dành cho tân HLV của Red Devils còn là vì M.U bị xem là chơi một canh bạc lớn với vụ bổ nhiệm Van Gaal.
Cách đây 1 năm, huyền thoại M.U Bobby Charlton nói sở dĩ Quỷ đỏ không bổ nhiệm Jose Mourinho là vì cá tính của HLV này. Van Gaal cũng chẳng khác Mourinho, thậm chí còn “dữ dội” hơn. Tân HLV của M.U từng... tụt quần trước mặt các cầu thủ để khẳng định rằng “tôi có thể bỏ rơi bất kỳ ngôi sao nào”.
Van Gaal (1m85, 79kg) cũng từng nhấc bổng tiền đạo Luca Toni (90 kg, 1m91) vì cầu thủ này dám trái quy định “đến nhà ăn lập tức phải ngồi xuống ghế, không được đứng”. Với Van Gaal, chỉ có một lựa chọn: thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Chính HLV này thừa nhận không phải lúc nào cũng đúng, nhưng điều quan trọng không phải chuyện đó. Quan trọng là, phải tôn trọng và tuân theo Van Gaal như một nhà... độc tài tuyệt đối!
Alex Ferguson từng thành công với cách thức tương tự ở M.U nhưng chỉ là sau khi ông tạo dựng được vị thế vững chắc theo thời gian và những danh hiệu giành được. M.U có những ngôi sao đã thành danh (Van Persie, Rooney, Carrick...), chưa kể một HLV phó là huyền thoại lớn (Ryan Giggs), một kẻ chân ướt chân ráo mới đến sân Old Trafford như Van Gaal khó có thể phục chúng tương tự Alex Ferguson.
Van Gaal là HLV “ngoại” (bên ngoài Vương quốc Anh) đầu tiên của M.U. HLV Hà Lan cũng đã 62 tuổi, tức không còn trẻ và mục tiêu rõ rệt của Quỷ đỏ là Van Gaal phải thành công tức thì. Niềm tin ấy có cơ sở thực tế hay không khi Van Gaal khẳng định sẽ đẩy mạnh đào tạo trẻ (như từng thành công ở Ajax Amsterdam vô địch Champions League năm 1995 với tuổi bình quân 23, trong đó cầu thủ 18 tuổi Patrick Kluivert ghi bàn duy nhất vào lưới AC Milan ở trận chung kết) và thay máu hàng loạt (“trảm” khoảng 10 cầu thủ).
Một M.U hoàn toàn mới (nhưng vẫn còn dư âm rệu rã từ vị trí thứ 7 chung cuộc ở Premier League mùa rồi) làm thế nào có thể đuổi kịp Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal hay cả Tottenham không thiếu khát vọng và tiềm lực tranh chấp ngôi vua bóng đá Anh?
Van Gaal không thiếu niềm tin ở chính mình, nhưng các học trò của ông ở M.U có cùng niềm tin như thế hay không lại là chuyện khác. Tất nhiên, Quỷ đỏ phải tin Van Gaal, như đã từng tin... David Moyes với bản hợp đồng 6 năm! Khác biệt giữa Moyes và Van Gaal có lẽ là đẳng cấp và bề dày thành tích, nhưng điểm chung là cả hai đều đặt ra quá nhiều nghi vấn mà dự đoán cho tương lai không hề sáng sủa. Tài năng, đam mê, nỗ lực, phương pháp, kinh nghiệm không thiếu, nhưng Van Gaal sẽ phải đối diện với áp lực khủng khiếp ở CLB số 1 thế giới (lời Van Gaal) và môi trường bóng đá hoàn toàn mới với sức cạnh tranh khốc liệt chưa từng có.
Van Gaal từng nói “tôi không bao giờ khóc cho bản thân mình”, nhưng có lẽ các fan M.U sẽ khóc cho đội bóng của họ nếu mùa bóng tới tiếp tục là một thảm họa như mùa giải vừa qua.