Mổ xẻ thành tích của ĐT Anh tại World Cup: Thất bại vì ít cầu thủ chịu xuất ngoại
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 16/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
NỖI SỢ CỦA NGƯỜI ANH
Sau 4 năm, mới lại có một cầu thủ người Anh tới thi đấu tại Serie A. Lần gần nhất một công dân của xứ sương mù chơi bóng ở giải đấu này là David Beckham. Tiền vệ hào hoa này khi đó gia nhập Milan theo hợp đồng cho mượn từ Los Angeles Galaxy trong thời gian giải Nhà nghề Mỹ tạm nghỉ. Becks đến Milan lần đầu tiên khi đã 34 tuổi. Tương tự, Ashley Cole cũng chỉ tìm đến Roma khi anh đã bước sang tuổi 33 và không còn có chỗ đứng tại Chelsea. Cả hai tới với Serie A ở vào giai đoạn xế chiều và đó là một quyết định mang tính dưỡng già nhiều hơn là phát triển sự nghiệp.
Lâu nay, ra nước ngoài thi đấu là một việc làm xa lạ với người Anh. Ngay trong ngày ra mắt Roma, chính Ashley Cole thú nhận cầu thủ xứ sương mù rất ngại phải chuyển ra nước ngoài, chơi ở một môi trường thi đấu lạ lẫm: “Những đồng hương của tôi chỉ thoải mái khi ở Anh, bởi đó là nơi họ lớn lên và mọi thứ đều rất quen thuộc. Khi biết mình có cơ hội tới Italia, tôi muốn có một sự thay đổi. Tôi chưa bao giờ sống ở ngoài London và đây là cơ hội lớn để có thể trải nghiệm tại một nền văn hóa khác”.
Trong hơn một thập niên qua, có rất ít cầu thủ hàng đầu xứ sương mù ra nước ngoài thi đấu. Danh sách 23 cầu thủ ĐT Anh mà HLV Roy Hodgson mang tới Brazil tham dự World Cup 2014, chỉ có mỗi thủ môn dự bị Fraser Forster là không chơi bóng tại Premier League. Forster hiện là người gác đền của Celtic tại giải VĐQG Scotland. Xét về phong cách chơi bóng lẫn môi trường sống, nơi đây chẳng khác biệt gì nhiều so với Anh.
Fraser Forster là cầu thủ Anh hiếm hoi đang thi đấu ở nước ngoài, nhưng cũng chỉ cho CLB khiêm tốn là Celtic
VẤT VẢ THÍCH NGHI
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cầu thủ Anh ngại ra nước ngoài chơi bóng. Một trong số đó là sự thay đổi môi trường sống như Ashley Cole đề cập. Việc các CLB Premier League trả lương cao cũng làm giảm động lực phiêu lưu của những chàng trai xứ sương mù. Ngoài ra, còn có thể kể tới sự khác biệt về phong cách chơi bóng giữa Premier League và phần còn lại của châu Âu. Cầu thủ Anh vốn dựa nhiều vào thể lực, còn tư duy chiến thuật không phải điểm mạnh của họ nếu so với những cầu thủ tại Serie A hay La Liga. Một bộ phận lớn cầu thủ Anh chỉ quen đá với sơ đồ 4-4-2 và họ gặp rất nhiều khó khăn để thích nghi với một môi trường bóng đá có quá nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, những vấn đề đó không phải là rào cản chẳng thể vượt qua. Nhiều cầu thủ nước ngoài ban đầu đến Anh gặp khó khăn, nhưng sau đó đã thành công rực rỡ. Nhưng những chàng trai xứ sương mù cảm thấy khó chấp nhận một chuyến đi rủi ro và có quá nhiều thua thiệt như thế. Ở lại Premier League họ có thể nhận lương cao và có cơ hội thành công lớn hơn.
TẤM GƯƠNG TỪ SỰ THAY ĐỔI
Việc các cầu thủ thiếu những trải nghiệm bên ngoài biên giới là một nguyên nhân quan trọng khiến ĐT Anh thất bại thảm hại tại các giải đấu lớn gần đây. Xét trên yếu tố nhân sự, nhiều thời điểm Tam sư sở hữu đội hình đẹp với một số ngôi sao ở tầm thế giới. Nhưng họ chưa bao giờ phát huy được năng lực vốn có khi chinh chiến tại những đấu trường như World Cup hay EURO.
Vấn đề của ĐT Anh cũng tương tự như Tây Ban Nha trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Nhưng sau đó, khá nhiều tuyển thủ Tây Ban Nha như Fernando Torres, Cesc Fabregas, Xabi Alonso, Pepe Reina… lựa chọn ra nước ngoài thi đấu và sự thay đổi này giúp xứ đấu bò đăng quang tại EURO 2008. ĐT Đức vô địch World Cup 2014 cũng có dấu ấn nhất định từ những cầu thủ xuất ngoại như Sami Khedira, Andre Schuerrle, Miroslav Klose.
Rõ ràng, việc được trải nghiệm qua nhiều môi trường bóng đá và điều kiện sống khác nhau sẽ góp phần trau dồi kỹ năng và gia tăng bản lĩnh. Để thành công, bóng đá Anh cần phải có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu hơn nữa, thay vì chỉ quanh quẩn với Premier League trên quê nhà.
5 VỤ XUẤT NGOẠI ĐÁNG CHÚ Ý CỦA CẦU THỦ ANH
Gary Lineker (đến Barcelona, 1986): Lineker vẫn ghi bàn khá đều đặn ở Barcelona. Song phong độ của ông kém xa so với khi thi đấu trên xứ sương mù.
Chris Waddle (đến Marseille, 1989): Waddle đã tỏa sáng dưới màu áo Marseille và có được 3 chức VĐQG Pháp.
Paul Gascoigne (đến Lazio, 1992): Quyết định gia nhập Lazio đánh dấu sự xuống dốc trầm trọng trong sự nghiệp của Gascoigne.
David Beckham (đến Real, 2003): Không quá nổi bật về chuyên môn, nhưng Becks cũng đã có những đóng góp nhất định vào thành công của Real.
Michael Owen (đến Real, 2004): Chấn thương khiến Owen chỉ có thể trụ lại ở Real trong 1 mùa bóng.
Kevin Keegan (tới Hamburg năm 1977): Keegan giành 2 Quả bóng vàng châu Âu (1978, 1979), 1 đĩa Bạc Bundesliga (1979) và 1 lần vào chung kết Cúp C1 châu Âu (1980) khi khoác áo Hamburg.
Steve McManaman (tới Real năm 1999): McManaman chính là cầu thủ Anh đầu tiên trong lịch sử vô địch Champions League với một CLB nước ngoài khi cùng Real lên ngôi năm 2000.