
Lăng kính: Siêu cúp Anh có thực sự quan trọng?
Ông nói không sai. Thật ra thì trong tiếng Anh, hay trong hầu hết các ngôn ngữ, từ “phê bình” (critic) đều hàm nghĩa “chỉ trích”. Nghĩa là khi phê bình hầu như phải tìm ra và nhìn vào mặt tiêu cực của sự vật/sự việc, cho dù ý nghĩa nguyên bản của nó chỉ là phân tích và nhìn nhận vấn đề.
Thế nên cho dù là kẻ thắng hay người thua, những ý kiến phê bình đều sẽ tập trung vào mặt chưa được của họ. Người thắng sẽ vẫn nhận được những hoài nghi (“trận thắng vô nghĩa lý” - theo cách diễn đạt cường điệu của Di Matteo), còn kẻ thua sẽ bị mổ xẻ như thể họ vừa tạo nên một thảm họa bóng đá.
2. Hãy tư duy theo “nghịch lý Di Matteo” về trận tranh Siêu Cúp tại Villa Park. Trận thắng của Man City “vô nghĩa lý” bởi đây chỉ là Community Shield. Chiếc khiên bạc chưa bao giờ đảm bảo cho một mùa giải thuận lợi sau đó, nếu không muốn nói là ngược lại. Chỉ có 7 nhà vô địch Community Shield vô địch nước Anh kể từ khi Premiership ra đời (1992/93), nghĩa là chỉ 35% đội giành Community Shield sau đó vô địch Premiership.
Trên các khán đài, CĐV Man City đã chăng lên một lá cờ ghi: “93:20, ngày 13 tháng 5 năm 2012”. Đó là thời điểm mà Sergio Aguero ghi bàn thắng mang về chức vô địch Premiership 2011/12 cho Man City, giây thứ 20 của phút bù giờ thứ 4. Chính họ hiểu hơn ai hết rằng kết quả cuối cùng sẽ chỉ đến trong những thời khắc cuối cùng.
Man City không thể lạc quan quá đà, bởi họ đã thủng lưới trước dù tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội trong suốt thời gian thi đấu, và có chiến thắng nhờ sự trợ giúp của Ivanovic bên phía Chelsea, người nhận thẻ đỏ sau một pha vào bóng khá hàm hồ.
Còn Chelsea, trận thua trở nên quan trọng, bởi cái cách họ thua. Tỷ lệ kiểm soát bóng có thể không nhiều giá trị, nếu nhớ họ đã thắng Barca như thế nào. Nhưng tỷ lệ chuyền bóng chính xác thì lại gợi ý vài điều: có 87% số đường chuyền của Man City đến đích, trong khi chỉ có hơn 80% đường chuyền của Chelsea thành công, thấp hơn cả trận chung kết Champions League với Bayern (83%). Đã có dấu hiệu của sự chuệch choạc.
Việc thủng lưới 3 bàn/12 phút cũng không thể đổ lỗi cho chiếc thẻ đỏ của Ivanovic. Nói như cây bình luận trứ danh Henry Winter của tờ Telegraph: “David Luiz đã vén hàng rào an ninh và mời cả đống người chui qua”.
Sự thiếu tập trung xuất hiện ở cả John Terry hay Obi Mikel. Tỷ lệ tắc bóng thành công (vốn là loại tình huống đối mặt, gần như không phụ thuộc vào số lượng người trên sân) của họ cũng chỉ là 66%, so với… 93,8% bên phía Man City.
3. Nghịch lý của Di Matteo, dù được nói lên với một vẻ hơi hờn dỗi với báo chí, thật ra nói lên bản chất của trận tranh Community Shield: nó có quan trọng hay không, có nhiều giá trị đúc rút hay không, là do cách nhìn nhận của mỗi người. Nó có thể là trận cầu quan trọng, cũng có thể vô thưởng vô phạt.
Man City có quyền tự tán dương chiến thắng của họ, hoặc ngồi mổ xẻ những sai lầm đã dẫn đến 2 bàn thua. Chelsea cũng có quyền gạt bỏ thất bại này một cách hồn nhiên, nhưng cũng có thể nghiêm trọng hóa vấn đề để cải tổ sâu sắc.
Báo chí chỉ có thể “phê bình” vì nhu cầu thông tin của độc giả. Còn Community Shield tác động lên việc chạy đua ở Premiership như thế nào, là do sự “tự phê bình” của hai ông HLV.