1. Các trận đấu ngày Lễ tặng quà (Boxing Day, 26/12) và ngày tân niên (1/1) là một truyền thống của bóng đá Anh suốt nhiều thập kỷ qua. Một truyền thống gây tranh cãi: nhiều HLV và cầu thủ, đặc biệt là những người đến từ nước ngoài, muốn được nghỉ ngơi trong dịp lễ như tất cả các giải VĐQG châu Âu khác. Nhưng người Anh thì không. Truyền thống là truyền thống.
Những trận đấu trong 2 ngày lễ ấy, theo quan niệm của người Anh, là dịp để cả gia đình cùng nhau đến sân bóng, như một nghi thức tinh thần trong ngày lễ. Bóng đá luôn là một phần quan trọng trong văn hóa Anh.
Trước thập kỷ 80 thế kỷ trước, ngày Boxing Day còn được xếp lịch cho các trận derby hoặc trận đấu giữa các CLB gần nhau, để các gia đình không phải đi xa sau kỳ Giáng sinh. Truyền thống này chỉ bị dỡ bỏ vì nạn hooligan.
Đó cũng là dịp để các CLB có thêm nguồn thu, từ những khán đài được lấp đầy bởi các gia đình và những món quà được mua tại SVĐ. Ở Premier League hiện nay, doanh thu từ một trận đấu có thể không đáng kể. Nhưng nửa thế kỷ trước, cái thời bóng đá còn chưa thực sự chuyên nghiệp hóa, lương cầu thủ tính bằng mười mấy bảng/tuần, một trận đấu ngày lễ có thể cho họ một ngân sách khả quan trong năm mới.
Đó thực sự là một “Lễ tặng quà” của bóng đá Anh. Và cũng giống như mọi ngày lễ khác của cuộc sống, người ta vẫn cương quyết giữ nó dù vật chất đã dư thừa.
2. Có nhiều người tin rằng, bóng đá Anh có những trận đấu ngày lễ cuối năm, là bởi họ tham tiền và thực dụng, coi cầu thủ như những cỗ máy. Có vẻ như ngược lại: họ giữ nó vì tôn trọng văn hóa, còn những người kêu gọi xóa bỏ các trận đấu cuối tháng 12, mới mang lối tư duy thực tế hiện đại.
Ôi thôi là nhiều ý kiến, từ cả người Anh lẫn người nước ngoài. Malouda tả rằng các cầu thủ bị vắt kiệt sức đến mức đá “văng cả óc ra ngoài”, “chỉ còn chơi hoàn toàn bằng bản năng”. HLV Mark Hughes thì biện chứng: “Các trận đấu trong giai đoạn này khiến chất lượng cuối mùa giải giảm đi”.
Họ nói đúng. Năm 2009, hãng phân tích thể thao trứ danh Pro-Zone từng đưa ra một báo cáo chuyên biệt về chủ đề này. Trong đó, họ chỉ ra rằng các chỉ số cần đến thể lực cầu thủ, như bất ngờ bứt tốc, chạy tốc độ cao hay quãng đường di chuyển trên sân của tất cả các cầu thủ Premier League đều giảm trung bình 20% trong tháng 12. Đó là giai đoạn lịch thi đấu dày nhất, thời gian hồi phục ít nhất, chưa kể các yếu tố khác ngoài sân cỏ như thời gian tiệc tùng bên gia đình và bạn bè.
Và nói như Mark Hughes, rằng bóng đá Anh thiệt thòi vì không có kỳ nghỉ Đông, là hoàn toàn biện chứng. Thậm chí việc ĐTQG Anh chơi tồi tại các giải lớn cũng có thể quy về lý do này.
3. Người Anh cần có bóng đá để xem trong ngày lễ. Và cầu thủ cần có ngày nghỉ để bảo vệ thể lực. Một bên là truyền thống, là bản sắc, là thứ phân biệt quê hương của bóng đá với các quốc gia khác. Một bên là những tính toán khoa học.
Những mâu thuẫn của truyền thống và hiện đại gần như không bao giờ có đáp án xác đáng. Đó là vấn đề của sự lựa chọn.
Tất cả các mâu thuẫn kiểu này của cuộc sống, đều là vấn đề của lựa chọn. Sách in thơm mùi mực hay sách điện tử tiện lợi? Tam đại đồng đường hay tôn thờ chủ nghĩa tự do? Đá ngày Boxing Day hay nghỉ ngơi cho khoa học?
Thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề như thế, chẳng có đúng sai, mỗi người hãy tự chọn câu trả lời cho riêng mình.
XEM THÊM
Bongdaplus.vn