Đại chiến Chelsea - Liverpool: 4-2-3-1 chống 4-3-3
Đặc điểm rõ nhất của Liverpool mùa này là họ phải chơi theo sơ đồ và cách chơi của Swansea mùa trước, bởi HLV Brendan Rodgers đã thành công vang dội với sơ đồ và cách chơi ấy. Còn đặc điểm rõ nhất của Chelsea mùa này là chưa bao giờ họ có một bộ ba tiền vệ công sáng tạo và xuất sắc như hiện nay. Vấn đề đặt ra với HLV Roberto Di Matteo là ông phải làm sao để bộ ba Juan Mata-Oscar-Eden Hazard phát huy sở trường tốt nhất.
Theo trang web chuyên về thống kê whoscored.com, Chelsea chơi tấn
công dàn khá đều các hướng dù đá với sơ đồ 4-2-3-1. Theo đó, 33% số
đường lên bóng tấn công của The Blues ở bên biên phải, 34% theo hướng
biên trái và 33% theo hướng trung lộ. Tuy nhiên, đa số các pha dứt điểm của Chelsea đều từ trung lộ (chiếm 77%), có 12% số lần dứt điểm của họ xuất phát chếch bên phía cánh trái và 11% chếch bên cánh phải. |
Trên lý thuyết, 4-3-3 là sơ đồ phóng khoáng, thích hợp với các đội chuyên về tấn công, bởi khi có bóng thì đội sử dụng sơ đồ này phải lập tức trải rộng đội hình ra khắp mặt sân, kéo dãn đội hình đối phương. Yêu cầu đặt ra trong hoàn cảnh này là phải chuyền dài một cách chính xác (mà theo Johan Cruyff thì không được phép sai lệch hơn 3m đối với những đường chuyền khoảng 30m). Đội chơi 4-3-3 mà tấn công nhiều, trận đấu sẽ rất hấp dẫn, khán giả cũng dễ cảm nhận cái hay của họ. Ngược lại, đội chơi 4-3-3 mà thiên về thủ thì trận đấu sẽ rất nặng nề, bởi thành công trong hoàn cảnh này được đặt trên nền tảng là 3 tiền vệ của họ phải làm chủ khu vực giữa sân, làm bế tắc hàng công đối phương. 3 tiền đạo cũng phải rút ngắn cự ly với 3 tiền vệ để hỗ trợ phòng ngự, dẫn đến tình trạng co cụm đội hình. Nhiệm vụ tiếp theo là họ phải kiên nhẫn chờ dịp tấn công, trong hoàn cảnh đối phương giữ bóng nhiều hơn.
Không phải nói nhiều về cách chơi 4-2-3-1, vốn là “mốt” hiện nay. Chỉ xin lưu lý một chi tiết: tiền vệ biên trong đội hình này công nhiều hơn thủ, nghĩa là anh ta trở thành tiền đạo nhiều hơn là lùi về hỗ trợ cho hậu vệ biên.
Trong trận đấu lớn đêm nay ở Premier League, chắc chắn các hậu vệ biên Ashley Cole (nếu ra sân) và Branislav Ivanovic của Chelsea sẽ thường xuyên tấn công, vì họ giỏi trong lĩnh vực này. Đã vậy, Chelsea lại có nhu cầu đá chồng biên nếu các tiền vệ công không nhanh chóng xuyên thủng được hàng thủ đối phương. Đấy cũng chính là cơ hội cho Liverpool, bởi sẽ không có chuyện tiền vệ biên Chelsea lùi về bọc lót cho Cole hoặc Ivanovic. Hai biên của Chelsea sẽ mỏng, nhưng với các tiền vệ xuất sắc, lại có hậu vệ biên thượng thặng tham gia tấn công, chắc chắn Chelsea sẽ làm chủ khu giữa sân và chiếm thế áp đảo. Joe Allen và Steven Gerrard sẽ phải phòng thủ khá sâu. Họ phải tập trung thật tốt và nêu cao kỷ luật chiến thuật thì mới có thể đứng vững.
Vì phải đứng thấp, thời gian và không gian để Gerrard tổ chức tấn công khi có bóng đều trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, khi bóng được triển khai ra biên, thì liệu những cái tên chưa thật sự nổi tiếng như Suso hoặc Raheem Sterling có hoàn thành nhiệm vụ kiến tạo cơ hội cho mũi nhọn Luis Suarez? Đấy chính là chỗ đáng xem.
-------------------------------------------------------
Cần nhất yếu tố nào?
4-3-3 là sơ đồ “ruột” của đội tuyển BĐN ở các giải lớn gần đây. Một thời, Hà Lan cũng chơi như thế. Nhưng kể từ EURO 2004 thì đội này chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1, theo đề nghị của các ngôi sao kỳ cựu. BĐN luôn thắng Hà Lan trong các giải lớn gần đây (2-1 tại bán kết EURO 2004, 1-0 tại vòng 2 World Cup 2006 và 2-1 tại vòng bảng EURO 2012).
Tuy nhiên, khi gặp Đức vốn cũng là đội luôn bám chặt vào sơ đồ 4-2-3-1, BĐN lại thua tuyệt đối trong 3 cuộc đụng độ quan trọng gần đây (0-1 tại vòng bảng EURO 2012, 2-3 tại tứ kết EURO 2008, 1-3 trong trận tranh hạng 3 World Cup 2006).
Đấy là do sơ đồ chiến thuật đòi hỏi phải có con người thích hợp, hay là do sơ đồ “chết” còn phải được vận dụng linh hoạt trong tình huống “sống” thì mới thành công? Nếu chọn ý đầu, bạn sẽ bị phản bác: Hà Lan chưa bao giờ thiếu ngôi sao, thậm chí hơn Đức. Còn nếu chọn ý sau, bạn lại bị phản bác: Đức chưa bao giờ là đội linh hoạt (gọi họ là cỗ máy thì đúng hơn). Kết luận ở đây: mức độ nhuần nhuyễn trong việc triển khai đấu pháp là quan trọng nhất!