
Chelsea: Kỹ nghệ thôn tính trở thành bị thôn tính
1. Kể từ khi Ken Bates mua lại Chelsea với giá tượng trưng 1 bảng, đã có rất nhiều thay đổi lớn ở Stamford Bridge. SVĐ của giới thượng lưu London ấy đã đón nhiều ngôi sao: từ những người Ý như Casiraghi, Vialli, Zola, Di Matteo cho đến những nhà vô địch người Pháp như Desailly, Deschamps, Lebeouf… Song, tập thể Chelsea thời đó cũng không để lại dấu ấn gì nhiều, ngoại trừ là đội bóng Premier League đầu tiên tung ra sân đội hình 11 cầu thủ không có ai là người Anh. Nhưng, ở thời đó, lần đầu tiên khái niệm “sexy football”, hay gọi là “bóng đá quyến rũ” đã được nhắc đến từ Chelsea, dưới bàn tay Ruud Gullit.
Khi Abramovich mua lại Chelsea từ Ken Bates, sự thay đổi của Chelsea còn mạnh mẽ hơn. Họ không mua những ngôi sao đã ở bên kia sự nghiệp mà thay vào đó là những ngôi sao đương thời. Và điều Abramovich làm không chỉ là thay đổi chất lượng cầu thủ. Ông còn làm nhiều hơn thế.
Động trời nhất là vụ “thôn tính” GĐĐH Peter Keynon của M.U và GĐTT Frank Arnesen của Tottenham. Cùng với họ, và Mourinho nữa, Abramovich đã tạo ra Chelsea như một đế chế… Có thể nói, Abramovich, bằng việc lấy về những bộ óc, đã “thôn tính công nghệ” của những đối thủ mạnh nhất…

Abramovich
2. Lúc Thaksin bán Man City cho nhà Mansour để sau đó CLB áo xanh thành Manchester nổi lên như một ngôi sao trong làng túc cầu, ít nhiều người ta đã hình dung Man City như Chelsea năm nào. Và đường Man City đi cũng có đôi phần giống với những gì mà Abramovich đã vạch ra cho Chelsea. Họ vô địch Premier League nhưng liệu họ đã thỏa mãn? Chắc chắn là chưa…
Với việc xây một học viện tốt nhất Anh hiện nay về cơ sở vật chất hạ tầng, Mansour không giấu tham vọng đưa Man City đi theo hình mẫu của Barcelona. Nhưng cơ sở vật chất hạ tầng chỉ là cái vỏ không hơn không kém. Người Manchester cần cả bộ óc nữa. Và thế là F.Soriano, Txiki Begiristain lũ lượt kéo đến Etihad. Những người cũ của Barca đã ở đó, để chờ một người cũ khác là Pep Guardiola.
Man City, cũng như Chelsea, đều đi “thôn tính công nghệ” của kẻ khác…
3. Chelsea vẫn chưa có được thành công như Abramovich mong muốn: một thành công ổn định. Nhưng Arnesen và Keynon đã ra đi và phải thừa nhận, kể từ khi họ đi, tình hình ở Chelsea thực sự rối bời với nhiều vụ “nội chiến” liên quan đến một nhóm “quyền lực đen” trong giới cầu thủ.
Benitez, sau thất bại trước Swansea, đã nói: “CLB ghi nhận và rất cần các huyền thoại. Song, đã tới lúc phải đánh giá lại”. Hẳn ông muốn ám chỉ đến nhóm “quyền lực đen” kia. Và nếu đúng như vậy, có thể ông sẽ là nạn nhân tiếp theo.

HLV Rafa Benitez
Thực ra, việc “thôn tính công nghệ nguồn” của kẻ khác là bước đón đầu rất khôn ngoan. Nhưng nó chỉ khôn ngoan khi ta hiểu được bản ngã của mình là gì?
Chelsea thực ra đã thấm nhuần triết lý “siêu thực dụng” của Mourinho và để thay đổi triết lý ấy, không thể ngày một ngày hai như cách Abramovich sa thải Villas-Boas hay Di Matteo.
Benitez phù hợp với Chelsea lúc này nhất bởi bản thân ông cũng là người siêu thực dụng. Song, ông sẽ tồn tại được bao lâu khi ở Chelsea còn một triết lý khác, triết lý thay đổi ngay lập tức mà Abramovich đã vận dụng không chỉ trong bóng đá mà còn trong cả cuộc sống.
Trong khi ấy, nhìn sang M.U hay Arsenal, người ta thấy rõ tính ổn định bất chấp thành tích có thể có lúc thăng-trầm.
Đó là thứ công nghệ nguồn thực sự của M.U và Arsenal mà Chelsea chưa có.
Chelsea chỉ có thể sở hữu con người nắm được công nghệ, như Arnesen, Keynon mà không nắm giữ được trọn vẹn công nghệ ấy.
Và họ, ngày một cố rời xa bản ngã thực dụng của mình, bản ngã được tạo thành bởi Mourinho…