Cách mạng nào cho tuyển Anh?
>>
>>
Sẽ không có cách mạng ngay bây giờ...
Chưa ai quên cách mà HLV Hodgson nhận đội tuyển Anh từ tay FA như thế nào: vội vàng, trong tình trạng “chữa cháy” và không nhiều hy vọng. Nhưng cái cách ông dẫn dắt Anh ở EURO 2012 với quãng thời gian chuẩn bị ít ỏi đủ khiến người ta tin cậy vào khả năng của một trong những HLV người Anh uy tín nhất hiện nay. Nhưng EURO 2012 là giai đoạn mà người ta nhìn vào HLV Hodgson với sự thông cảm. Còn bây giờ, mọi ánh mắt đều chỉ là suy xét. Và câu hỏi đặt ra là: Hodgson có thực hiện cuộc cách mạng nào với Tam sư hay không?
Chúng ta có thể trả lời ngay là: KHÔNG. Cách mạng nào cũng cần có những nhân tố cần thiết của nó. Mà xét về khía cạnh này, Hodgson không có gì để làm cách mạng. Vấn đề của Anh nằm ở chính chỗ đó.
Mùa giải 2011/12, Premiership có được một vài phát hiện mà điển hình nhất là Oxlade-Chamberlain, Gary Cahill, Sterling và Kyle Walker. Những nhân tố hiếm hoi ấy khó có thể giúp Hodgson thay đổi triệt để Tam sư. Ai cũng hiểu, để thay đổi lối chơi, tinh thần của một đội bóng, cần nhất là tuyến tiền vệ, nhất là những tiền vệ tổ chức. Tiếc thay, ở vị trí ấy, HLV Hodgson vẫn phải dựa vào Lampard và Gerrard, những cá nhân quá cũ.
Tất nhiên, với sự lạc quan được kiểm chứng bởi Pele (World Cup 1970) hay Pirlo (World Cup 2006 và EURO 2012), người ta có thể tin ở tuổi 34 (Gerrard) và 36 (Lampard), tuyến giữa Anh vẫn có thể chơi tốt tại Brazil 2014. Nhưng niềm tin ấy bị thách thức nặng nề khi chính Lampard bắt đầu cho thấy có thể anh không còn chỗ đứng chắc chắn ở Chelsea, còn Gerrard thì đã mắc khá nhiều sai lầm ở Liverpool mà điển hình là pha khởi thủy bàn thua đầu tiên trước Arsenal ở trận đấu mới đây. HLV Hodgson có lẽ sẽ vẫn phải tiếp tục chơi cờ thế, ít ra là trong giai đoạn này.
Cách mạng khi nào và với ai?
HLV Hodgson đã thổ lộ khó khăn mà ông vấp phải khi bước vào vòng loại World Cup 2014. Đó chính là sự thiếu vắng 8 cầu thủ trụ cột từng cùng ông tham dự EURO 2012 và thêm cả Wilshere mới bình phục chấn thương. Song, trong số những cái tên vắng mặt kia đa số là những người thuộc thế hệ Gerrard như Barry, Parker… Thêm vào đó, những trụ cột khác ở hàng thủ cũng đều đã ngoài 30 tuổi. Tam sư khó có thể mơ về thành tích World Cup với một đội hình “lẩm cẩm” như thế. Cuộc cách mạng, vì vậy, vẫn buộc phải được tiến hành.
Song sẽ vô cùng mạo hiểm nếu Hodgson đột ngột thay đổi ở hai trận mở màn vòng loại. Vạn sự đều cần đầu xuôi thì đuôi mới lọt. Ông muốn dùng những kinh nghiệm (sẽ lỗi thời ở World Cup 2014) để lấy tối đa số điểm ở loạt mở đầu này. Khi đã có vốn, ông sẽ tính đến việc thay đổi tùy theo tình thế trong bảng đấu.
Là một người thông minh, trầm tĩnh, HLV Hodgson không bao giờ quá mạo hiểm để đánh đổi điều mơ hồ. Và việc triệt để thay đổi để tạo ra một thế hệ tuyển thủ Tam sư mới với những Cleverley, Rodwell, Bertrand, Walker sẽ được tiến hành dần dần, qua từng bước nhỏ ở vòng loại. Đơn giản, HLV Hodgson thừa hiểu để làm gì đó tại Brazil, người ta cần tìm visa vào Brazil trước đã.
Vị trí khó nhất để kiếm tìm một cuộc cách mạng cho HLV Hodgson chính là: “Ai sẽ thay thế Gerrard, Lampard trong vai trò nhạc trưởng?”. Cleverley thì quá non nhưng anh vẫn là lựa chọn duy nhất. Như vậy, cách tốt nhất với HLV Hodgson vẫn là chờ đợi, chờ Cleverley trưởng thành hơn ở mùa giải này và hy vọng, một nhân tố mới sẽ bất ngờ xuất hiện. Khi đó, có lẽ ông mới bắt đầu mạnh tay cho cuộc cách mạng vẫn được trông chờ…