
Bình luận: Đôi khi, phải biết... sợ
Thay đổi dễ hiểu là một chuyện. Thay đổi tích cực, hiện đại, cũng là một chuyện. Thay đổi ấy có hợp lý hay không lại là chuyện khác, và là chuyện mà giới chuyên môn đã tranh luận dai dẳng, qua bao thế hệ. Một nhà cầm quân nên áp dụng lối chơi thích hợp với đặc điểm của những cầu thủ đang có, hay nên hướng các cầu thủ ấy đến lối chơi ưa thích của mình? Có lẽ đây là vấn đề quan điểm hơn là chuyện đúng/sai.
Trước mắt, chỉ có thể kết luận sơ bộ: cuộc cách mạng về chuyên môn của HLV Rodgers khởi đầu không như mong muốn, nếu không nói là thảm hại. Tất nhiên, mọi thay đổi lớn đều luôn yêu cầu phải có thời gian. Hồi mới đến M.U vào năm 1986, HLV Alex Ferguson cũng đã thất bại thảm hại. Ông phải mất 3-4 năm, với nhiều lần đối diện nguy cơ sa thải, trước khi có một kỷ nguyên thành công suốt 20 năm. Bây giờ, chắc chắn Rodgers không được kiên nhẫn chờ đợi đến 3-4 năm. Chính Ferguson cũng nói: “Bóng đá đã thay đổi nhiều. Báo chí đã thay đổi nhiều. Áp lực cũng thay đổi nhiều. Sẽ không có HLV nào được các ông chủ kiên nhẫn chờ đợi thành công như 1/4 thế kỷ trước đây”.
Rodgers trẻ trung, giàu năng lực, nên ông có cái can đảm cần thiết để mạnh dạn thay đổi một cách triệt để. Ví dụ về sự thay đổi triệt để: Rodgers có lẽ không nên bỏ cả Andy Caroll một cách quá nhanh, quá quyết đoán như vậy. Can đảm đôi khi cũng tốt. Nhưng chỉ thật tốt nếu đấy là sự can đảm của một người… biết sợ. Kinh nghiệm sống (chứ không chỉ là kinh nghiệm bóng đá) cho thấy: đôi khi người ta cũng phải biết sợ. Bởi, biết sợ là một cái “biết” vô cùng quan trọng.
Rodgers không sợ đối thủ, không sợ thất bại, không sợ áp lực…, nên ông mới kiên tâm thực hiện những kế hoạch chuyên môn của mình. Cũng chẳng phải là ngông cuồng, bởi suy cho cùng thì với những gì đã làm được ở Swansea, Rodgers đâu có sợ thất nghiệp trong bóng đá Anh. Ông từng nói: “Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, tôi chẳng sợ hãi điều gì, bởi nếu sợ thì sẽ không có bước đi tiếp theo, không có thành công tiếp theo”.
Có thể Rodgers nói thật, nhưng đấy chỉ là suy nghĩ của ông. Vả lại, “sợ” và “biết sợ” là hai khái niệm khác nhau.