Balotelli: Cứ cười đi, vì đời là mấy khi!
Ô hay, Mario Balotelli cười thì có gì lạ? Chàng trai ngổ ngáo này đã gắn với nhiều chiến tích phi thường bên… ngoài sân cỏ. Từ ăn chơi trác táng, đốt nhà, phát biểu gây sốc đến trêu chọc đồng đội,… nụ cười “nham nhở” luôn trên môi “Bad boy” mỗi khi cầu thủ này thoả mãn tột độ.
Nhưng trên sân, cười không phải là điều Balotelli hay làm. “Tôi không ăn mừng bàn thắng, vì đó là công việc của tôi. Bạn thấy người bưu tá có ăn mừng mỗi khi anh ta hoàn thành công việc không?”. Vâng, một câu trả lời rất Balotelli, đã khác người là phải khác cho trót. Ngán ngẩm thị phi truyền thông, Balotelli xách vali rời Anh cùng hàng loạt rắc rối với Man City. 2 năm hồi hương, Balotelli trở lại với hình hài khó nhận ra.
Hôm qua
Hình hài ở đây là nghĩa bóng, chứ về nghĩa đen, Balotelli vẫn là cá thể không-trộn-lẫn với nước da đen bóng và mái đầu cực dị. Chỉ có điều, “Bad boy” tu dưỡng khá nhiều: hiền lành hơn, ít nói hơn, lặng lẽ hơn. Đáng tiếc, Balotelli cũng hiền luôn cả về mặt… phong độ. Được chiêu mộ với giá 16 triệu bảng, Brendan Rodgers hy vọng Balotelli thay thế phần nào sự ra đi của Luis Suarez.
Để rồi màn thể hiện của chân sút này chỉ khiến người ta nhớ Suarez nhiều hơn. 12 lần ra sân ở Premier League, 776 phút, Balotelli vẽ nên ba số 0 tròn trĩnh: 0 bàn thắng, 0 kiến tạo và tất nhiên là không mối nguy hại trước cầu môn đối phương. “Người bưu tá” Balotelli không ăn mừng là vì lẽ đó, chứ chẳng phải do “công việc” nào khác.
Balotelli sa sút vì đâu? Ở tuổi 24, “Bad boy”có 8 năm thi đấu tại các giải đấu cấp cao nhất ở Anh và Italia. Chơi hơn 150 trận cho cả Inter, AC Milan, Man City và giờ là Liverpool, chẳng có cơ sở để nói rằng Balotelli bị ngợp hay chưa thích nghi với bóng đá Anh. Có hai hướng giải thích được cho là hợp lý nhất. Về mặt lý tính, Balotelli gặp vấn đề với chiến thuật chung của Liverpool: anh phải thi đấu quá xa vòng cấm, liên tục di chuyển tìm bóng, điều này khác với lối chơi quen thuộc của Balotelli bao lâu nay. Nên nhớ chân sút 24 tuổi đã đánh bật El Shaarawy (AC Milan) để độc chiếm vị trí tiền đạo. Nhưng ở Liverpool, Balotelli đánh bật được ai?
Về mặt cảm tính, Balotelli chịu áp lực quá lớn từ giới truyền thông. Rõ ràng, một cầu thủ lắm tài nhiều tật như Balotelli luôn thu hút cái nhìn của báo giới, và mọi nhất cử nhất động của chân sút này đều có thể trở thành “miếng mồi” béo bở cho các trang mạng. Vài trận không ghi bàn, hầu hết các chuyên gia đã gọi Balotelli là thảm hoạ chuyển nhượng, thương vụ hớ nhất của Liverpool. Ở AC Milan thì bị phân biệt chủng tộc, sang Merseyside lại dính chỉ trích liên tục, đúng là hoạ vô đơn chí.
May cho Balotelli. Trong số rất ít người lên tiếng bảo vệ anh, đã có Brendan Rodgers. Chiếc lược gia người Bắc Ireland che chở cho Balotelli khỏi “cuồng phong” dư luận, mặc cho khi ấy chính chiếc ghế của ông cũng đang lung lay dữ dội. Rodgers không mù quáng tin tưởng Balotelli như trước, song luôn tạo cơ hội cho anh ngay khi có thể. Và “Bad boy” đã chứng minh, niềm tin ấy không bị đặt sai chỗ.
Hôm nay
Người buồn nhất là người hoàn toàn lành lặn, tới Anfield với biết bao kỳ vọng nhưng phải ngồi ngoài. Đó là Balotelli. Khi các đồng đội thay phiên toả sáng với nụ cười tươi rói, Balotelli vẫn ngồi đó, lặng lẽ, âm thầm. “Bad boy” chứng kiến Daniel Sturridge ghi bàn sau 12 phút tái xuất, số thời gian bằng… 1/63 thời gian Balotelli được trao “ấn tiên phong”.
NhưngRodgers không bỏ rơi Balotelli. Khi Liverpool chơi bế tắc trước Tottenham, cựu chân sút Inter lập tức được trọng dụng. Gần như ngay sau đó, Balotelli đệm bóng tung lưới Hugo Lloris, mang về chiến thắng bằng vàng cho Quỷ đỏ Merseyside. Bàn thắng giải toả sức ép, căng thẳng cho bản thân, đồng thời đem lại cho The Kop những thứ còn nhiều hơn 3 điểm. Balotelli lại không cười. 24 tuổi, cầu thủ “mãi không lớn” này thừa hiểu bàn thắng này quá ít so với những gì mà “người bưu tá” như anh cần phải làm.
Và hôm nay, Balotelli đã cười, nhiều hơn một lần. Liverpool nhọc nhằn vượt qua Crystal Palace mà ở đó, bàn thắng thứ 2 của Lallana có công rất lớn từ cú sút phạt của Balotelli. Màn trình diễn không quá nổi trội, nhưng đủ để đội bóng đi tiếp với chút dấu ấn cá nhân. Cuối cùng thì trong chặng hồi sinh của Liverpool, đã có cái gì đó của Balotelli.
Nụ cười là vốn quý nhất của con người, mà với kẻ trầm lặng như Balotelli, nó càng trở nên có giá hơn. Hàm răng trắng trên khuôn mặt sạm đen đã có dịp khoe ra, khi sự tự tin đang dần trở lại. Bao ngày bị đè nén dưới áp lực, Balotelli “xả đi” bằng cử chỉ đơn giản. Song cái cách cầu thủ này đấu tranh để vượt qua áp lực chắc chắn không đơn giản như thế.
Ở đời, không dễ gì mà nhìn thấu một nụ cười đâu. Chẳng ai biết được ẩn sau nó, chủ nhân của nó phải chịu những gì. Nhưng một khi cười, tức là nỗi buồn đã giải toả phần nào. Cứ cười đi, vì đời là mấy khi!
Và hôm nay, Balotelli đã cười, nhiều hơn một lần. Liverpool nhọc nhằn vượt qua Crystal Palace mà ở đó, bàn thắng thứ 2 của Lallana có công rất lớn từ cú sút phạt của Balotelli. Màn trình diễn không quá nổi trội, nhưng đủ để đội bóng đi tiếp với chút dấu ấn cá nhân. Cuối cùng thì trong chặng hồi sinh của Liverpool, đã có cái gì đó của Balotelli.
Nụ cười là vốn quý nhất của con người, mà với kẻ trầm lặng như Balotelli, nó càng trở nên có giá hơn. Hàm răng trắng trên khuôn mặt sạm đen đã có dịp khoe ra, khi sự tự tin đang dần trở lại. Bao ngày bị đè nén dưới áp lực, Balotelli “xả đi” bằng cử chỉ đơn giản. Song cái cách cầu thủ này đấu tranh để vượt qua áp lực chắc chắn không đơn giản như thế.
Ở đời, không dễ gì mà nhìn thấu một nụ cười đâu. Chẳng ai biết được ẩn sau nó, chủ nhân của nó phải chịu những gì. Nhưng một khi cười, tức là nỗi buồn đã giải toả phần nào. Cứ cười đi, vì đời là mấy khi!
(báo bóng đá)