
Arsenal và bi kịch hàng công: Tìm đâu dàn Pháo thủ?
1. Arsenal khởi động mùa giải này không đến nỗi tệ, thậm chí còn tốt hơn mùa trước nhiều. Nhưng đó chỉ là vấn đề thành tích đơn thuần. Cách tấn công của Arsenal vẫn là một mệnh đề nan giải. Sau 9 vòng đầu tiên, chỉ có 3 trận có thể chấp nhận được: thắng Liverpool 2-0, Southampton 6-1 và West Ham 3-1. Còn lại là nỗi thất vọng tràn trề, đỉnh điểm là trận thắng may mắn và nhạt nhẽo trước QPR. Lý do vì sao?
Napoleon tạo ra cuộc cách mạng lực lượng quân đội ở châu Âu bằng hệ thống pháo binh. Hồng Quân Liên Xô từng gieo rắc nỗi kinh hoàng với dàn Kachiusa huyền thoại… Nhưng có một loại vũ khí đơn giản cũng trở thành biểu tượng quân sự của thế giới, đó là khẩu AK-47 với những tính năng siêu việt. Thậm chí nó là biểu tượng, được in trên quốc kỳ của Mozambique, Zimbabwe…

Arsenal được gọi là Pháo thủ bởi họ luôn sở hữu những dàn hỏa tiễn có khả năng công phá khủng khiếp. Tuy nhiên, đã lâu lắm rồi, từ sau mùa 2004/05 với kỷ nguyên Henry, Ljungberg, Reyes, Bergkamp, Pires… Arsenal chỉ được gọi là Pháo thủ như một thói quen. Không còn tồn tại dàn pháo nào ở Emirates nữa…
2. Những năm gần đây, dường như HLV Wenger chỉ cố gắng đào tạo ra những cá nhân hơn là xây dựng một hệ thống pháo thủ như truyền thống. Suốt 7 năm qua, Arsenal là đội bóng một người. Sau khi Bergkamp, Pires ra đi, mình Henry gánh cả hàng công. Khi bán Henry cho Barca, Wenger tự hào bởi sở hữu Adebayor ghi 24 bàn mùa 2007/08. Đến khi bán tiền đạo này cho Man City, Wenger lại tự tin rằng sẽ có một người thay thế. Nhưng suốt 2 năm tiếp theo, Arsenal không có cầu thủ nào đạt cột mốc 20 bàn/mùa.
Thời gian đó, người ghi bàn nhiều nhất cho Arsenal trong một mùa là Fabregas (15 bàn mùa 2008/09). Đến ngày Van Persie xuất hiện như một người kế thừa Henry, với 30 bàn ở mùa giải năm ngoái. Một lần nữa, Wenger lại tái diễn kế hoạch chuyển nhượng: bán trụ cột ở tuổi 29 để làm mới hàng công. Van Perise được bán cho Man Utd. Ông tin rằng sẽ tạo ra dàn pháo mới khi mang về Giroud, Podolski, Cazorla. Nhưng mọi chuyện không như mong muốn. Arsenal đang sở hữu hàng công tệ nhất trong vòng 7 năm qua, thậm chí đến một khẩu AK-47 cũng chẳng có.

Một khẩu AK-47 dù có mang tính sát thương đến đâu thì cũng không thể là vũ khí cho cả cuộc chiến. Đó là một phần lý do tại sao Arsenal không thể vô địch kể từ sự tan vỡ của hệ thống “pháo dàn” Henry, Pires, Bergkamp, Ljungberg, Reyes, những người ghi tới 66 bàn cho Arsenal mùa 2004/05.
Đây chỉ là một nguyên nhân trong sự thay đổi dưới thời Wenger. Sự “tiến hóa” của đấu pháp cũng được xem như một điểm yếu của Arsenal. Họ không có những tiền vệ tổ chức thực sự trong suốt 7 năm qua, điều cốt lõi trong đấu pháp 3 tiền đạo của Arsenal. Tại sao Van Persie lại được tung hô như thế ở mùa giải năm ngoái, khi mà đây là lần đầu tiên tiền đạo này ghi được hơn 15 bàn/mùa? Đơn giản bởi một mình Van Persie, cứu sống cả một đội bóng khi đóng vai của cả tiền đạo lẫn thủ lĩnh trên hàng công.
3.Trong hơn 1 năm qua, các CLB châu Âu thịnh hành sơ đồ 4-2-3-1, trong đó 3 tiền vệ đều có vai trò hộ công. Lối chơi này được coi là có hiệu suất công phá dữ dội nhất, nhưng cũng là hệ thống mạo hiểm nhất. Tỷ lệ thắng lên đến 40% nhưng thất bại cũng đạt 35%. Dù nhiều CLB áp dụng nhưng không phải ai cũng thành công trọn vẹn. Bằng chứng là tần suất sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 ở châu Âu chỉ đạt 37%, và các CLB thường phải luân chuyển đấu pháp theo tình huống, phụ thuộc vào từng đối thủ. Nhưng ở Arsenal, hệ thống tấn công của Wenger trong hơn 1 năm qua vừa thiếu ổn định, vừa chưa phù hợp với mô hình mà châu Âu đang hướng tới. Năm ngoái, Arsenal gần như đá với một tiền đạo.
Đến mùa này, với khá nhiều chân sút trong tay, song họ lại không có một “sát thủ” thực sự. Wenger dùng cả Podolski, Giroud, Gervinho, nhưng lại chỉ có Cazorla đá hộ công (rất mờ nhạt). Đó là điểm yếu nhất của Wenger và dù ông có thay đổi liên tục: kéo Podolski, Gervinho xuống cánh thì cũng không phù hợp bởi họ không có khả năng kiến tạo. Thực tế là Arsenal thường xuyên bế tắc trong triển khai bóng, thiếu đột biến với nhịp điệu tấn công buồn tẻ.

7 năm qua, Arsenal quanh quẩn với vị trí thứ 3, thứ 4 trên BXH Premier League. Có thể nó chấp nhận được nếu so với sự đầu tư của Man City, Man Utd, Chelsea. Thành tích của Arsenal không tệ hơn những mùa gần đây, nhưng rõ ràng hàng công của họ đang là bi kịch. Và nếu cứ nhìn vào vị trí hiện tại để cho rằng Arsenal là “bình thường” thì sẽ đến lúc họ nhận bi kịch thực sự, giống như Liverpool. Arsenal sẽ vẫn luẩn quẩn thứ 3, thứ 4 cho đến khi Wenger xây dựng lại được dàn pháo thượng hạng thay vì mải miết đi tìm một khẩu AK-47…