Cách đây 16 năm, khi EURO được tổ chức ở Anh, với vai trò nước chủ nhà, Tam sư đã kết thúc bảng A với vị trí đầu bảng, hơn Hà Lan 3 điểm. Tương quan điểm số năm 1996 của ĐT Anh với Hà Lan không khác gì với Pháp hiện tại. Và chặng đường của Anh ở EURO 2012 cũng khá tương đồng với giải đấu 16 năm về trước, khi đối thủ của họ ở bán kết rất có thể là Đức. Liệu kịch bản 1996 có lặp lại nếu Anh gặp Đức? Chưa chắc. Đơn giản, tuyển Anh hôm nay đã rất khác.
Trái ngược hẳn với tuyển Anh nhiều năm qua, vốn mô phỏng tinh thần chơi bóng đầy cống hiến và nhiệt thành của Premier League, tuyển Anh của HLV Hodgson mang đậm tính thực dụng và dùng lý trí lấn át cảm tính rất nhiều.
Với việc bước vào EURO thiếu sự chuẩn bị chu đáo do Hodgson không có đủ thời gian để làm việc với các tuyển thủ, Tam sư bị đánh giá rất thấp so với chính họ trước đây chứ chưa nói gì đến chuyện so với các ứng cử viên lớn khác. Thêm vào đó, việc một loạt trụ cột dính chấn thương khiến HLV Hodgson phải sử dụng quá nhiều nhân tố mới, non kinh nghiệm. Nhưng đó chính là lợi thế lớn của họ, nó mang lại sự thoải mái.
Tuyển Anh bước vào EURO 2012 ở tư thế “đá hết mình để chứng minh giá trị”, điều mà những người trẻ, vốn chẳng sợ hãi gì, đã và đang thể hiện. Chưa hết, họ còn chơi bóng với tư tưởng “thua vẫn được thông cảm”.
Cùng với những lợi thế kể trên, ĐT Anh đã tiến hành một cuộc lột xác ngoạn mục dưới thời Hodgson. Họ chơi thứ bóng đá mang tính kiểm soát cao, tỉnh táo, thực dụng và lỳ đòn. Lối chơi của họ không mô phỏng một Liverpool từng là vua đấu cúp, một Chelsea phiên bản Champions League 2011/12, mà là thứ bóng đá theo đúng triết lý “cửa dưới” của Hodgson. Bình tĩnh phân tích thế mạnh của đối thủ để triệt tiêu chúng; cẩn trọng chờ đợi và biết nâng niu từng cơ hội nhỏ nhất, Anh đã bước vào các trận chiến gặp Pháp, Thụy Điển và Ukraine với tâm thế “không quan tâm đến tính giải trí, chỉ quan tâm đến kết quả”.
Chính vì thế, người ta không thấy tuyển Anh có những pha cống hiến bùng nổ kiểu M.U một thời. Thay vào đó là một tuyển Anh đá trận nào là trận đó chậm rãi, tẻ nhạt và gây… buồn ngủ. Song, bù lại, kết quả là họ bất bại trước đối thủ mạnh nhất và thắng vừa đủ trước những kẻ rình rập nguy hiểm nhất.
Với phong độ ấy, Anh có thể sẽ làm cho Đức choáng váng ở trận bán kết EURO 2012 nếu hai đội gặp nhau. Nhưng trước mắt, muốn làm được điều đó, họ phải duy trì tốt những gì đã thể hiện khi đối đầu Italia ở tứ kết.
Hãy chờ xem, liệu người Anh có đọc được bài của đối phương?
Bongdaplus.vn