
World Cup 2014: Giải đấu không dành cho châu Âu
* Nhật ký World Cup ngày 21/6
* Lịch World Cup 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Hai thất bại cay đắng của ĐT Tây Ban Nha đã mở màn cho một giải đấu đầy những bất ngờ. Nhà ĐKVĐ châu Âu và thế giới đã bị loại quá nhanh, quá tủi nhục khiến người ta tự hỏi phải chăng tiqui-taca đã đến hồi kết, phải chăng đội hình “Bò tót” lúc này đã no nê chiến thắng, đã không còn là tập thể của những cá nhân xuất chúng… Mà quên mất rằng, không chỉ có thầy trò Vicente Del Bosque đã và đang gây thất vọng.
Bởi hàng loạt cặp đấu được cho là cân tài cân sức đã khép lại với kết quả chênh lệch không kém. Colombia “hạ sát” nhà vô địch châu Âu năm 2004, Hy Lạp, bằng 3 bàn không gỡ, Bồ Đào Nha thảm bại trước ĐT Đức 0-4, trong đó cá nhân siêu sao Cristiano Ronaldo chơi hoàn toàn mờ nhạt, Bỉ, được kỳ vọng trở thành “ngựa ô” với lực lượng mạnh mẽ và trẻ trung, đã phải chật vật ngược dòng trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn rất nhiều, Algeria.
Chẳng thể không nhắc tới ĐT Anh, với dạt dào sức trẻ và những niềm kỳ vọng mới từ một “cuộc cách mạng Liverpool”, nhưng rồi 2 thất bại liên tiếp đều với tỉ số 1-2 cùng một lối chơi không định hướng đã khiến họ trở thành cái tên tiếp theo phải xách va li về nước. Và cả Italia, một đội bóng vốn lạnh lùng và bản lĩnh, được đánh giá mạnh nhất bảng D, lại chịu thúc thủ 0-1 trước đội “lót đường” Costa Rica.

Vậy có phải ngẫu nhiên không, khi mà các đại diện ưu tú của châu Âu đang thất thế, hay nói đúng hơn là chơi không được như kỳ vọng tại World Cup diễn ra trên đất Brazil? Hoàn toàn không, nếu như chúng ta nhớ lại những lời cảnh giác về “lời nguyền” dành cho lục địa già khi phải dự các giải đấu tổ chức ngoài biên giới châu Âu, hay thực tế hơn một chút là khí hậu nhiệt đới của xứ sở Samba.
Hãy nhìn cái cách “người không phổi” của Liverpool, Jordan Henderson mất hút trong màu áo ĐT Anh gặp Uruguay, hay sự bế tắc khó hiểu của Ronaldo trước người Đức. Và tiêu biểu nhất có lẽ là hình ảnh của trung vệ Giorgio Chiellini của Italia tại Recife đêm qua. Về cuối trận, cầu thủ vốn có thể lực tốt bậc nhất Azzurri đã thở không còn ra hơi, chẳng còn buồn phòng ngự bất chấp cầu thủ Costa Rica vẫn đang lên bóng.
Mà cũng nên nhớ rằng, đây mới chỉ là lượt đấu thứ 2 của VCK World Cup 2014. Chặng đường còn rất dài, nên ngay cả Đức, Pháp hay Hà Lan cũng cần hết sức cảnh giác, bởi cho dù họ có đang thi đấu thăng hoa, có thực lực mạnh, nhưng nền tảng thể lực và khả năng thích nghi của họ chắc chắn không sánh bằng những đội “chủ nhà” châu Mỹ.
Đến cả Costa Rica, Colombia (không Falcao) còn thống trị các bảng đấu của họ, chưa kể những màn trình diễn tích cực của Uruguay, Mexico, Chile và Ecuador, vậy thì những Brazil hay Argentina sẽ còn khó lường và đáng sợ đến đâu? Người châu Âu hãy cẩn thận.