Im lặng nhưng được việc
HLV Vicente Del Bosque là một người im lặng và chú ý đến hiệu quả công việc là trên hết nhưng đám học trò lại có rất nhiều kẻ to mồm. Trên sân tập, thủ môn Casillas luôn hò hét để chỉ huy hàng phòng ngự và trong phòng thay đồ, Casillas cũng to mồm lãnh đạo anh em. Del Bosque thích một đội trưởng như thế để gây ảnh hưởng tới đồng đội.
Carles Puyol cũng khá to mồm và Del Bosque cũng không phản đối vì Puyol là thủ lĩnh của nhóm Catalan. David Villa đòi đồng đội chuyền bóng, Sergio Ramos hay phàn nàn, Xabi Alonso hay lên tiếng khi đồng đội chuyền lỗi, Xavi hay đá đểu đối phương... Ngay cả anh chàng thủ môn số 3 là Victor Valdes cũng mắc bệnh hay nói. Nhưng trong một đội, nếu ai cũng nói cả thì lấy đâu ra người nghe.
Dễ hiểu thôi, TBN là tập hợp của dàn sao nên anh nào cũng muốn tiếng nói của mình có trọng lượng. Nếu không được nói nhiều trên sân thì họ sẽ tìm cách nói chuyện, lên tiếng cho giới phóng viên. Không ai muốn tên tuổi của mình, tiếng nói của mình, hình ảnh của mình bị lãng quên bởi truyền thông.
Sau mỗi chiến thắng của Barca hay TBN, Sergio thường là người lặng lẽ rời sân thứ ba hoặc thứ tư. Điều này rất đơn giản, người rời sân đầu tiên luôn được cánh phóng viên săn đón nhiệt tình và Sergio ghét cảm giác bị người ta chĩa micro vào miệng hay giơ máy ảnh lên chụp. Sergio cũng không thích nán lại trên sân quá lâu để trở thành người cuối cùng rời sân. Anh chỉ muốn là một phần trong tập thể của 11 người rồi biến mất thật nhanh sau trận đấu.
HLV Del Bosque thích điều đó của Sergio. Trong quan niệm của HLV Del Bosque, một người ít nói là một người thông minh, là một người bình tĩnh để đọc trận đấu rồi lặng lẽ vá lỗ hổng mà đồng đội để lại. Vào thời điểm này, Del Bosque không tìm được ai tốt hơn người Catalan thầm lặng: Sergio Busquets.
Khi Guardiola dẫn dắt Barcelona B, rất nhiều anh thích khoe mẽ thể hiện. Chỉ riêng Sergio cặm cụi làm những động tác đơn giản tròn trách nhiệm một cách lặng lẽ. Vốn trầm tính, Pep thích Sergio từ đó và gọi anh lên đội 1 ngay. Cho đến giờ cũng chỉ còn duy nhất Sergio là người từ Barca B lên Barca A năm 2008 mà còn trụ lại được ở đội hình.
Sergio Busquet là mẫu cầu thủ sẵn sàng làm mọi thứ,kể cả tiểu xảo để giúp đội nhà chiến thắng. Trong trận tứ kết lượt vềChampions League tại Nou Camp vừa qua, Busquet đã "ngã đẹp" khi mới chỉbị Nesta của Milan níu nhẹ, giúp Barca kiếm được quả phạt đền.
Từng một thời to mồm
Sergio Busquets chưa bao giờ nhận mình là một người hùng và anh không thích khoe khoang tuổi thơ của mình như các danh thủ khác. Người ta chỉ biết về câu chuyện tuổi thơ của Sergio thông qua ông Carles Busquets, HLV thủ môn của Barca. Thật ra, ông Carles cũng là người kín tiếng nhưng sau hôm TBN vô địch thế giới, ông vui quá nên đã nói nhiều điều về con trai trên tờ El Confidencial.
Khi phóng viên hỏi tại Nou Camp, Sergio thân với ai nhất và ở chung phòng với ai thì ông cho biết: "Sergio không thân và cũng không lạnh nhạt với ai. Nó luôn lầm lì nên đồng đội cũng không thích ở chung. Xavi từng than vãn ở với Sergio chẳng khác ở cùng thằng câm. Cuối cùng, nó được xếp ở chung phòng với tôi. Dù là cha con nhưng chúng tôi cũng ít nói chuyện với nhau".
Rồi ông tiếp tục trải lòng về cậu con trai. Năm 8 tuổi, Sergio bắt đầu tập bóng đá cho đội trẻ Badia. Như mọi đứa trẻ khác, Sergio rất tự hào người cha của mình và luôn khoe: "Cha tao bắt cho Barca". Nhiều đứa nhìn Sergio với ánh mắt ghen tị và cu cậu tỏ ra rất đắc chí. Một lần, Sergio bị một đứa lớn hơn hỏi vặn: "Cha mày tên gì?" và cu cậu trả lời rõ kêu: "Cha tao là thủ môn Carles đã cùng Barca vô địch châu Âu và 4 lần vô địch TBN".
Những điều Sergio nói đúng hết nhưng lũ trẻ bò ra cười và nói: "Mày chỉ nói xạo thôi. Tao chỉ biết ở Barca có thủ môn Andoni Zubizarreta". Cuộc tranh cãi kết thúc bằng cái môi sưng vều của Sergio. Sergio đem nỗi ấm ức đó về kể cho cha nghe và nhận thêm một trận đòn vì lỗi: đánh nhau và khóc nhè. Đó là bài học đầu tiên cho cu cậu về tác hại của việc thích tranh luận.
Hình xăm bí ẩn của Sergio
Thời niên thiếu của Sergio, mẹ và ông ngoại là những người gần anh nhất vì cha bận đi thi đấu. Chính ông ngoại Juan đã dạy Sergio những bài chơi bóng đầu tiên, hướng dẫn anh cách chuyền bóng, đỡ bóng và cả cách xoạc bóng. Dù chỉ là một người chơi bóng nghiệp dư nhưng những triết lý bóng đá đơn giản, hiệu quả của ông ngoại cũng tác động mạnh lên cách chơi của Sergio.
Quan trọng hơn, ông ngoại đã chỉ cho Sergio những chân lý trong bóng đá và cuộc sống: đó là sự hy sinh. Khi Sergio hỏi tại sao cha Carles không được bắt chính thì ông ngoại đã giải thích rằng: "Trong một đội bóng có sự phân công giống như sự phân công trong gia đình và xã hội. Trong gia đình, mẹ cháu là người nội trợ thì cha cháu sẽ đi làm và cháu sẽ đi học. Còn trong một đội bóng thì sẽ có người đá tiền đạo, có người hậu vệ, có người chính thức, có người dự bị. Xã hội sẽ ổn định nếu mọi người làm tốt phân công của mình".
Về sau ông Carles cũng dạy Sergio bắt bóng nhưng anh tỏ ra là một thủ môn tồi nên quyết đá theo vị trí sở trường của ông ngoại là tiền vệ. Tất nhiên, các bài tập làm thủ môn của ông Carles cũng không vô dụng vì nhờ tập làm thủ môn, động tác ngã người của Sergio rất khéo khi cần dùng trên sân.
Ngày 22/10/2008, Sergio ra sân trong trận Barca đại thắng Basel 5-0 tại Thụy Sĩ và anh đóng góp một bàn (nâng tỷ số 2-0). Khi ăn mừng, Busquets đã có động tác hôn cẳng tay và sau khi phân tích ảnh, người ta nhận ra Sergio hôn vào hình xăm có kí tự khá đặc biệt. Khi hỏi Sergio điều này thì anh chỉ cười và không trả lời.
Cuối cùng, người ta giải mã được ký tự đó là chữ Ả Rập có nội dung: "Một thứ cho bạn, cuộc đời của Tổ quốc". Nhiều người hỏi câu nói đấy hàm ý gì thì Sergio mới giải thích là câu nói mà ông ngoại thường dạy anh hồi nhỏ về tính hy sinh. Sergio chấp nhận bị coi là kịch sĩ, là kẻ câu thẻ đỏ, phạt đền cũng chẳng sao. Hy sinh một chút tên tuổi cá nhân thì có là gì so với thành công chung của cả đội. Nhưng Sergio thú nhận anh là một người hay xấu hổ nên nếu phải ngã đóng kịch như thế thì anh sẽ dùng 2 tay ôm mặt.
Bongdaplus.vn