Những trận chung kết Champions League đáng nhớ
1985: NỖI XẤU HỔ NHÂN CÁCH CỦA PLATINI
Bây giờ, Michel Platini là một “chính khách bóng đá” thượng thặng với cương vị chủ tịch UEFA và với quyền lực xem ra còn mạnh hơn cả Sepp Blatter - ông lão đang giữ ghế chủ tịch FIFA. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một câu lỡ lời, là rất có thể tương lai huy hoàng của Platini trong thế giới bóng đá tan thành mấy khói.
Thế nên, chắc chắn Platini sẽ thận trọng từng li từng tí khi nói về trận chung kết Cúp C1 năm 1985 mà ông là “diễn viên chính” trên sân cỏ. Với Platini, tốt nhất là cứ xa lánh mọi câu hỏi về “thảm họa Heysel” ngày ấy.
Thắng Liverpool 1-0 trong trận chung kết Cúp C1 năm 1985 tại SVĐ Heysel của thủ đô Brussels (Bỉ), Juventus trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử hoàn tất bộ sưu tập 3 Cúp châu Âu. Thời ấy, Liverpool nói riêng cũng như bóng đá Anh nói chung là thế lực thống trị đến mức gần như tuyệt đối trên sân cỏ châu Âu.
Platini (trái) luôn tránh nhắc đến trận CK đáng xấu hổ năm 1985
Bây giờ mà nhắc đến “thảm họa Heysel” thì ai quan tâm đến bóng đá cũng đều biết rõ. Người ta chỉ còn thắc mắc một điều: tại sao các ngôi sao - như chính Michel Platini - cứ phải ăn thua đủ với nhau để tranh chấp cái danh hiệu cao quý, khi chính họ biết rõ những gì tệ hại đã và đang xảy ra trên khán đài?
Họ vẫn còn niềm vui chơi bóng, còn khao khát danh hiệu trong hoàn cảnh tang thương ấy? Cách đây nhiều năm (trước khi đắc cử chủ tịch UEFA), Platini từng trả lời phỏng vấn rằng: “khi đó, ông không biết đã có người chết”.
Báo chí lật tẩy: nói dối. Vì chính Platini và một ngôi sao của Liverpool đã nói qua loa phóng thanh, kêu gọi khán giả “bình tĩnh trở lại để xem bóng đá”, sau khi hai đội được thông báo rõ sự việc. Chúng ta đã hiểu vì sao ngài chủ tịch UEFA sẽ không bao giờ đả động đến thảm họa Heysel nữa.
1968: KẾT THÚC CÓ HẬU CHO MATT BUSBY
Đúng 10 năm trước đó, chiếc phi cơ chở đội M.U gồm toàn các ngôi sao trẻ xuất sắc với biệt danh “Busby Babes” cùng một số nhà báo và CĐV đi theo đội đã gặp nạn tại Munich, trên đường từ Belgrade trở về Manchester.
Bảy cầu thủ thiệt mạng ngay tại phi trường Munich, sau lần thứ 3 cất cánh không thành công. Một ngôi sao nữa qua đời sau 2 tuần điều trị. Ngôi sao bóng đá số 1 trong lịch sử bóng đá Anh Bobby Charlton may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong tai nạn ấy. HLV huyền thoại Matt Busby cũng sống sót trở về.
Ngoài sự tang thương quá hiển nhiên, M.U còn bị tàn phá nghiêm trọng bởi tai nạn ấy. Thế rồi, Busby quyết tâm tái thiết M.U, xây dựng một thế hệ khác. Chính ông nhào nặn cho M.U những ngôi sao mới như Denis Law, George Best. Thế rồi, “công trình” tuyệt vời của ông hoàn thành mỹ mãn đúng 10 năm sau đó.
Cần nhớ: bại tướng của M.U trong trận chung kết Cúp C1 năm 1968 chính là đội Benfica danh tiếng, với huyền thoại Eusebio trong đội hình. Trước đó, Benfica đã có 4 lần lọt vào chung kết, 2 lần vô địch và họ chính là đội bóng đầu tiên sau Real Madrid đoạt Cúp C1. Chiến thắng của M.U trong trận chung kết cúp C1 năm 1968 bao hàm cả lịch sử, cảm xúc lẫn giá trị chuyên môn cao. Và đấy là một chiến thắng huyền thoại.
1993: Ê CHỀ MARSEILLE
Thắng AC Milan 1-0 trong trận chung kết của mùa bóng đầu tiên mà Cúp C1 chính thức trở thành giải Champions League, Marseille trở thành CLB Pháp đầu tiên lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB (hơn nữa, đấy cũng là CLB Pháp đầu tiên đăng quang trên trận địa 3 Cúp châu Âu).
Đấy là trung tâm quyền lực mới, không chỉ trong làng bóng Pháp mà của cả châu Âu. Với hàng chục ngôi sao sáng giá do người chủ tịch hãnh tiến Bernard Tapie đưa về, Marseille vô địch Ligue 1 trong 4 mùa bóng liên tiếp trước đó. Và họ lại vô địch Ligue 1 lần nữa vào năm 1993, vài ngày trước khi lên ngôi ở Champions League.
Quá hãnh diện, nếu như scandal VA-OM không nhanh chóng xuất hiện. Để bảo đảm không chấn thương, không ảnh hưởng phong độ, không sa sút tinh thần, Marseille đã mua chuộc các cầu thủ Valenciennes để nhanh chóng bảo đảm chức vô địch Ligue 1 bằng một chiến thắng dễ dàng ở trận địa trong nước.
Từ Bernard Tapie trở xuống đến loại cầu thủ làm môi giới mua độ như Jean-Jacques Eydelie, các gương mặt đen lộ rõ. UEFA không tước ngôi vô địch của Marseille, như kiểu Ligue 1 tước ngôi vô địch của họ.
Nhưng Marseille không được tranh Siêu Cúp châu Âu, cũng không được bảo về ngôi vô địch Champions League ở mùa kế tiếp. Hàng loạt hệ quả tiếp theo làm cho đội này rớt xuống bảng hạng Nhì và rơi vào quên lãng suốt một thời gian dài trước khi trở lại đỉnh cao trong vài năm gần đây.
2003: TẺ NHẠT VÀ... HÈN NHÁT!
Trong kỷ nguyên Champions League, chỉ có một lần duy nhất trận chung kết của giải đấu hấp dẫn này kết thúc với tỷ số 0-0. Đó là trận chung kết “Toàn Ý” giữa AC Milan và Juventus. Suốt 120 phút, Juventus chỉ có vỏn vẹn 2 pha dứt điểm trúng khung thành, còn Milan có 6 cú sút.
Nói tóm lại, đấy là một sự tra tấn đối với khán giả trung lập. Vốn đã là những chuyên gia phòng ngự, cả Milan lẫn Juve nhanh chóng đạt được mục tiêu quan trọng đầu tiên là khóa hết mọi ngả đối phương có thể tấn công về phía khung thành của họ.
Kế đến, sự căng thẳng và tầm quan trọng quá cao của Cúp Bạc Champions League khiến cả hai đội đều không dám tấn công nhiều, ngay cả khi họ đã tỏ ra chắc chắn trong hệ thống phòng ngự. Rút cuộc, Milan đoạt chức vô địch bằng chiến thắng 3-2 trong loạt sút luân lưu 11m.
Trong 7 quả đầu tiên của loạt sút này, chỉ có 2 lần bóng bay vào lưới. Sau trận, HLV Marcello Lippi của Juventus tiết lộ: “Hầu như mọi cầu thủ Juve đều lẩn tránh, thậm chí đề nghị tôi không bắt họ sút 11m luân lưu”. Không đủ người xung phong, Lippi phải chỉ định 5 cầu thủ sẽ đá luân lưu. Đấy có thể là nguyên nhân lớn khiến các cầu thủ Juve sút hỏng nhiều. Lippi bình luận: “Khi một tiền đạo lại không dám sút bóng từ chấm 11m, thì còn có hy vọng gì vào chiến thắng. Họ thật hèn nhát!”.