Lăng Kính: Giữa hai dấu ngoặc đơn
>>
>>
1. Có một ẩn dụ thú vị trong những “khuôn mặt” kiểu này. Nỗi buồn sẽ được biểu đạt bằng dấu mở ngoặc đơn. Niềm vui sẽ được biểu đạt bằng dấu đóng ngoặc đơn. Nghĩa là trong cặp dấu ngoặc đơn ấy, giữa hai “khuôn mặt” mếu và cười ấy sẽ là một câu chuyện: bắt đầu bằng một nỗi buồn và được giải quyết bằng một niềm vui.
Câu chuyện bắt đầu bằng mặt mếu và kết thúc bằng mặt cười, chính là câu chuyện của Cristiano Ronaldo. Hay ít nhất cũng coi như một chương trong câu chuyện của anh.
Ronaldo đã buồn. Một nỗi buồn bi thống khiến cả làng túc cầu xôn xao. Nhưng rồi rạng sáng qua, anh hăng hái lao về phía khung thành của Man City, miệt mài chuyền bóng và dứt điểm để rồi tỏa sáng mang về 3 điểm cho Real Madrid. Báo chí phương Tây lại làm ầm lên: có vẻ như con tim Ronaldo đã vui trở lại. Từ “:(” đã chuyển sang “:)”. Có một thứ gì đó đã diễn ra giữa hai dấu ngoặc đơn.
2.Thứ nhất, phải trả lời câu hỏi: tại sao những khuôn mặt cười kiểu “emoticon” lại quan trọng với Real đến thế? Một câu hỏi khá dễ. Bởi họ phụ thuộc lớn vào sự tỏa sáng của các cá nhân, trong bối cảnh sơ đồ chiến thuật đã được định hình hoàn chỉnh. Đặc biệt là Ronaldo. Nói cách khác, bản thân tâm trạng của Real Madrid bây giờ cũng có thể được quy về các cụm ký tự biểu đạt kia. Nếu “:(” là thất bại. “:)” là chiến thắng.
Đã có một sự thay đổi diễn ra. Thế thì giữa hai dấu ngoặc đơn ấy, đã diễn ra chuyện gì?
Người ta nhìn thấy Sergio Ramos trên băng ghế dự bị. Một sự thay đổi đầy bất ngờ, khi anh vẫn thi đấu đều đặn từ đầu mùa và không có thông tin bị chấn thương. Cầu thủ đá thay Ramos ở vị trí trung vệ là Varane, một người trẻ còn ít kinh nghiệm. Đây là một quyết định không mấy logic, khi trận đấu ra quân có tính chất đặc biệt quan trọng, và lại gặp đối thủ mạnh nhất bảng.
Chúng tôi đã từng phân tích một giả thiết về “nỗi buồn Ronaldo”, với nguyên nhân là cuộc chiến giữa hai phe nhóm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong đó Ramos chính là một thủ lĩnh của phe quốc nội: anh đã ít nhất 3 lần “tranh luận” tay đôi với ông thày Mourinho.
3.Dấu mở ngoặc của Ronaldo không chỉ là của riêng Ronaldo, mà còn là của Jose Mourinho, người bị kẹp ở giữa Ronaldo và Ramos, giữa Ronaldo và chủ tịch Perez. Nó là sự bắt đầu cho một câu chuyện ngắn nhưng buồn của toàn bộ Real Madrid. Nhưng giờ thì có vẻ nó đã đóng lại bằng một dấu ngoặc đơn khác, theo chiều ngược lại.
Scott Fahlman khi sáng tạo ra cách sử dụng các ký tự để diễn đạt cảm xúc, chắc cũng nghĩ đến việc cảm xúc của con người, tưởng là phức tạp, viết ra cũng chỉ có mấy dạng cơ bản.
Cảm xúc con người, viết ra hàng nghìn cuốn sách cũng không hết. Nhưng lắm khi lại chỉ sử dụng mấy ký tự giản đơn là miêu tả được. Và khi cảm xúc tương tác với sân cỏ, nó cũng chỉ tạo ra hai kết quả cơ bản: thua hoặc thắng.
Chỉ có hai dấu ngoặc cơ bản ấy thôi, nhưng có thể là xen giữa chúng, là những nỗ lực đầy phức tạp, là một câu chuyện ly kỳ mà Sergio Ramos chưa muốn kể ra.