Năm 2004, khi HLV Gerard Houllier, một thành viên kỳ cựu của Tiểu ban kỹ thuật UEFA được giao nhiệm vụ tìm ra một phương thức mới để xốc lại phong độ của các ngôi sao tại các giải đấu lớn trong mùa Hè, ông đã đưa ra một nhận định khá khác lạ: vấn đề nằm ở tinh thần, chứ không nằm ở thể chất. Trước đó, việc các ngôi sao không thi đấu đúng phong độ tại World Cup và EURO thường được quy kết cho sự suy kiệt về thể lực sau một mùa giải VĐQG mệt mỏi.
“Tôi sẽ phải tìm kiếm một phương thức mới để gắn kết các đội hình” – cựu HLV Liverpool viết trong một bài luận trên tờ Telegraph – “Có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng việc hỏi Otto”. Đó là thời điểm mà HLV Otto Rehhagel vừa vô địch EURO 2004 cùng Hy Lạp, và theo khẳng định của HLV người Đức, họ đã chiến thắng không phải vì khỏe hơn, chiến thuật hợp lý hơn, mà có một tinh thần chiến đấu tốt hơn.
HLV Roberto Di Matteo dường như đã chứng minh được định lý mà Houllier đặt ra từ 8 năm trước theo cách của ông. Cũng giống Hy Lạp, chiến thuật của Chelsea chẳng có gì đặc biệt: họ chơi phòng ngự co cụm đơn thuần, cố gắng khai thác tối đa các pha bóng bổng và dài từ tuyến dưới lên để tận dụng lợi thế không chiến của Drogba. Và quan trọng nhất, là tận dụng tốt các cơ hội được tạo ra.
Nhưng điểm khác biệt quan trọng và dễ nhận ra nhất của Chelsea so với chính họ vài tháng trước, hay với bất kỳ đối thủ nào mà Barca đã đối đầu trong mùa này, là một ý chí quá mạnh mẽ. Khi John Terry nhận thẻ đỏ sau pha đánh nguội Sanchez từ phía sau hết sức ngớ ngẩn, không ai dám tin rằng Chelsea có thể trụ vững. Suốt từ đầu mùa giải này, họ tạo cho người ta ấn tượng về một đội bóng luôn biết cách sụp đổ đúng lúc.
Nhưng tinh thần tươi mới mà Di Matteo thổi vào đội đã thay đổi tất cả. Chiếc thẻ đỏ cuối cùng lại trở thành động lực để Chelsea chơi quyết tâm hơn, dựng lên một thế trận phòng ngự kiên cố hơn. Chelsea đã thực hiện tới 56 cú phá bóng ra biên, gấp đôi những gì họ đã làm trong trận gặp Arsenal vài ngày trước. Có thể đó là minh chứng cho việc The Blues đã phá lối chơi của Barca, nhưng phải cần rất nhiều sự tập trung để có thể làm được điều đó.
Một ví dụ khác về sự tập trung: đã có 24 lần các cầu thủ Chelsea cắt được đường chuyền của Barca. Con số này trong trận gặp Arsenal là 14 lần. Vẫn biết rằng đã có phần nào bàn tay của Thần may mắn giúp Chelsea, nhưng nếu không thực hiện được cái quy trình “cắt, phá” kinh hoàng ấy, không thần thánh nào có thể giúp được Chelsea.
Và khi nhắc đến sự kiên cường của Chelsea, không thể quên chốt chặn cuối cùng Petr Cech, người được chấm điểm cao nhất trên sân. Con số 4 pha cản phá cú sút không nói lên hết hiệu quả của anh. Trên sân Nou Camp rạng sáng qua, không phải Lampard, mà chính thủ môn người CH Czech mới là thủ lĩnh tinh thần cho Chelsea. Ngoài ra, trong số 19 đường chuyền (bổng) lên tuyến trên của Cech, có 8 lần đến đúng địa chỉ và tạo thành sức ép bên phần sân đối phương, một tỷ lệ không tồi khi đá với Barca.
Chelsea đã thắng, không phải bởi họ chơi đẹp mắt hơn, trí tuệ hơn, mà là đội sở hữu một chiến ý tốt hơn, tập trung hơn và bình tĩnh hơn. Tất nhiên, ngoại trừ John Terry, người đã gián tiếp nâng cao tinh thần đồng đội theo một cách kỳ khôi.
CON SỐ
13. Người phòng ngự hiệu quả nhất bên phía Chelsea là Ivanovic, khi hậu vệ này đã có tới 13 nỗ lực phá bóng, trong đó có 8 lần thành công. Xếp thứ 2 là Ramires, với 5 lần thành công/8 pha phá bóng.
24. Chelsea đã thực hiện thành công 24 cú tắc bóng và 24 pha cắt bóng chính xác. Tần suất này cao hơn so với đối thủ mạnh nhất họ gặp trong nhiệm kỳ Di Matteo, Man City, với chỉ 19 cú tắc bóng và 20 pha cắt đường chuyền thành công.
30. Chelsea tung ra tới 30 đường chuyền dài cả trận, trong khi chỉ có một pha phối hợp bóng ngắn và một quả tạt duy nhất, đều do Lampard thực hiện.
64%. So với trận lượt đi trên sân nhà, Chelsea chuyền bóng kém chính xác hơn. Chỉ có 64% số đường chuyền của họ đến đúng địa chỉ, so với 74% của trận lượt đi. Ở Stamford Bridge, có tới 7 cầu thủ Chelsea có tỷ lệ chuyền bóng chính xác hơn 80%, trong khi chỉ có 4 người làm được điều này tại Nou Camp rạng sáng qua.
Bongdaplus.vn