Và đội khách đã thành công, đã giết Barca bằng cái công sự ấy với một triết lý cơ bản: “Anh là người chủ động kiểm soát bóng còn tôi là người chủ động kiểm soát cuộc chơi”. Triết lý ấy không khác gì các chiêu “phá kiếm thức, phá đao thức, phá linh tinh thức gì đó” mà anh hùng Lệnh Hồ Xung của nhà văn Kim Dung sở hữu. Đó là gì? Không chủ động tấn công mà nhường quyền chủ động tấn công ấy cho đối phương.
Nhưng khi đối phương vừa ra chiêu, mình sẽ đáp trả bằng cách điểm ngay vào chỗ sơ hở của họ để đối phương buộc phải thất bại trong cuộc tấn công ấy vì còn phải lo giữ mình. Bàn gỡ 1-2 của Ramires chính là chiêu “phá tiqui-taca thức” của “Lệnh Hồ Chelsea” và chắc chắn, sẽ có nhiều đội bóng học nó để chống lại Barca.
Với lối chơi chặt chẽ và bọc lót tốt, Chelsea dù chỉ 10 người nhưng luôn cho người ta cảm giác họ có đông người hơn Barca. Hơn nữa, chính lối chơi của Barca đã giúp Chelsea phát huy được sở trường phòng ngự đa tầng và có chiều sâu như thế. HLV Pep Guardiola, trong nỗi niềm hoài cổ đến ngán ngẩm của người Catalan, đã khai quật lại một thứ đã chết 20 năm trước là phòng thủ 3 trung vệ để nhằm tăng uy lực tấn công.
Nhưng chính việc có từ 6 đến 7 cầu thủ tấn công thường trực đã khiến khu vực trung tuyến của Barca trở nên quá chật chội trước sự phong tỏa có trọng điểm của Chelsea. Để tìm đường vào khung thành đối phương, Barca không có cách nào khác là phải giãn ra biên trước. Và ở biên, họ không bao giờ mạnh cả. Những Cuenca, Iniesta dạt ra biên là vì họ muốn mở không gian kéo giãn đội hình Chelsea để tìm đường vào trung lộ. Tiếc thay, Chelsea không mắc bẫy. Họ giăng sẵn trùng vây ở trung lộ chờ Barca, nơi đoàn quân của Pep giẫm chân lên nhau trong bế tắc.
Và Chelsea, trong một đêm Nou Camp đẹp trời, đã “giết” Barca như thế…
Bongdaplus.vn