Bayern Munich tái ngộ AS Roma: Ván cờ ở Bavaria
Trong cuốn sách Pep Confidential phát hành cách đây chưa lâu, có một chương mang tên: “Tôi chẳng có tiền vệ nào cả”. Đấy là câu nói của Pep với các trợ lý trước một trận đấu. Khi ấy Bayern có ít nhất là... 10 cầu thủ có thể đá tiền vệ, kể cả Philipp Lahm đang chơi rất hay ở vị trí mà anh chưa từng có trải nghiệm trong sự nghiệp, nhưng với một người bị ám ảnh bởi việc phải kiểm soát trận đấu, như Pep có thêm bao nhiêu tiền vệ cũng không bao giờ là đủ.
Có nhiều người ví von bóng đá cũng như một ván cờ, nếu vậy thì Pep phải là một kỳ thủ cự phách. Trong 1 năm nghỉ ngơi ở New York, Pep thường xuyên có những cuộc nói chuyện với “vua cờ” Gary Kasparov. Ông đặc biệt ấn tượng với một phát ngôn của Kasparov: “Ta không thể tấn công với cùng một cách đánh cho một trận chiến ở trên núi và một trận chiến ở đồng bằng”.
Cũng như một kỳ thủ trước khi vào trận, Pep luôn cố vạch ra những nước đi của đối phương để tìm cách chiết giải. Và với mỗi giả thiết, ông lại có những cách bố trí đội hình khác nhau. Cầu thủ như những quân cờ, được ông cân nhắc đặt lên đặt xuống. Bóng đá vốn cũng giống cờ ở chỗ bạn chỉ có thể tung ra một số lượng quân nhất định, nhưng chỉ cần thay đổi vị trí của một vài quân, ta sẽ có một thế trận khác nhau cho trận đấu.
Thật khó để giải được bài toán của Pep đặt ra cho các đối thủ
Cũng trong cuốn sách Pep Confidential nêu trên, nhà báo Marti Perarnau thuật lại một cuộc nói chuyện với Pep Guardiola vào cuối mùa bóng trước. Trong đó Pep nói: “Mùa tới Bayern dứt khoát phải chơi tốt hơn nữa”. Marti hỏi lại ngay: “Với chừng ấy con người, làm thế nào mà tốt hơn được nữa?”. Pep không trả lời câu hỏi mà đáp lại với một câu hỏi khác: “Nếu ngày mai là trận chung kết Champions League, ông sẽ chọn ai trong đội hình xuất phát?”.
Chần chừ một lúc, Marti đáp: “Tất nhiên là 11 người có phong độ tốt nhất, cho sơ đồ được vận hành tốt nhất hiện tại là 4-2-3-1”. Pep im lặng không nói gì, nhưng người trợ lý Domenec Torrent của ông thì lập tức tham gia vào câu chuyện:
- Nếu chúng ta phải đấu với Bale và Ronaldo, sao anh lại không dùng Jerome Boateng, người có tốc độ tốt nhất của Bayern? Nếu đá với Barca của Messi, dứt khoát phải dùng Basti (Schweinsteiger). Tôi thấy anh dùng một trung phong, nhưng nếu đá với Chelsea mà không có Mueller và Goetze phía sau thì có thắng được không?
Đấy là lúc mà Marti Perarnau mới thật sự cảm thấy bóng đá với Pep đã rất gần với cờ, nơi ta không thể đấu một mình mà phải dựa theo đối phương mà đi, cũng là nơi mà chỉ cần một nước cờ nhỏ cũng có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu. Pep kết thúc câu chuyện dang dở nêu trên với phát ngôn sau: “Có lẽ anh chưa có dịp đọc một bài viết của Leontxo Garcia về Magnus Carlsen (vô địch cờ thế giới). Trong đó có một đoạn mà tôi tâm đắc. Carlsen bảo việc hy sinh quân và thiệt hại về thế trận vào đầu trận không làm ông ta nao núng bởi ông ấy biết rõ mình sẽ mạnh nhất ở cuối cuộc cờ. Tôi cứ nghĩ hoài: liệu mình có thể áp dụng điều ấy vào bóng đá không?”
Trước trận đấu vào đêm nay, khi người ta hỏi Pep có thể đánh bại được Roma như lượt đi không, ông đã đáp: “Cũng những con người ấy, đối thủ ấy, nhưng đá lại ngay thì trận đấu đã khác, nói gì sau vài tuần”.
Chào mừng đến ván cờ của Pep ở Bavaria!