Allegri vs. Enrique: Cuộc đua của 'đôi bạn tay mơ'
Thú vị ở chỗ, họ đều chỉ mới cầm quân lần đầu tiên ở CLB của mình. Nhìn lại những năm gần đây, có vẻ đã thành thông lệ: mùa bóng đầu tiên là mùa bóng mà các HLV phải cố gắng nhiều nhất, tập trung tốt nhất. Rất nhiều vị lập tức đoạt chức VĐQG ngay lần đầu tiên cầm quân ở đội bóng mới (và sau đó thì... hết giỏi).
Ngoài chức VĐQG, Allegri và Enrique đều đang đứng trước khả năng “ăn ba” khi dẫn dắt đội bóng của họ vào trận chung kết ở cả Champions League lẫn Cúp Quốc gia (Juventus đã đoạt Cúp này), trong bối cảnh chính họ phải chịu áp lực đáng kể. Đấy là những chỗ tương đồng. Thế còn dị biệt? Cũng rất đáng kể.
Có thể, Enrique thành công khi nhận lời huấn luyện một đội bóng “chỉ đang đi xuống chứ không đi lên” vì ông trưởng thành ở Calcio - nền bóng đá có tính chiến thuật cao nhất thế giới. Enrique đủ tự tin để biến Barcelona thành một đội khác hẳn so với những gì người ta đã biết, bằng con đường chiến thuật.
Nguyên nhân thành công của Barcelona không nằm ở bộ ba tiền đạo Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar, mà là cái cách Enrique sử dụng bộ ba ấy - nhất là Messi. Tổng quát hơn, đấy là cách chơi toàn đội, sao cho bộ ba MSN ghi bàn nhiều đến mức độ tối đa trong khi hàng thủ phía sau cũng trở nên vững chắc chưa từng thấy.
Allegri dĩ nhiên cũng là con người của Calcio. Nhưng ngược lại, ông không quá câu nệ chiến thuật. Allegri từng nói, như một sự chỉ trích... cả Calcio: “Theo tôi, bóng đá Italia chú trọng chiến thuật một cách quá lố. Bóng đá phải là show diễn và các ngôi sao phải được tự do thể hiện phẩm chất nghệ sĩ của họ”.
Vậy chẳng lẽ Allegri không cần chiến thuật? Tất nhiên là không đến nỗi điên rồ như thế. Trên thực tế, Allegri tạo dựng cho Juventus những cách chơi rất đa dạng, linh động, ngay từ sơ đồ chiến thuật cũng đã thường xuyên hoán đổi rồi. Chắc chắn Allegri không hề là tín đồ của chiến thuật nào.
Chiến thuật, theo ông, chỉ là phương tiện để các ngôi sao phát huy khả năng ở mức tốt nhất. Có nghĩa, việc của Allegri là nghĩ ra những cách chơi - tùy hoàn cảnh cụ thể - để giúp những Carlos Tevez, Paul Pogba, Andrea Pirlo... phát huy giá trị ở mức cao nhất. Việc của ông không phải là ép các ngôi sao vào một lối chơi của mình.
Enrique có thiên hướng đồng đội trong khi Allegri lại có thiên hướng cá nhân. Trong mạch thắng của Barcelona, người ta phát hiện ra rằng suốt 7 tháng liền đội này mới thủng lưới 1 bàn từ tình huống cố định, từ đó phát hiện ra rằng nguyên nhân nằm ở các bài tập phối hợp chống tình huống cố định. Thế còn Juventus? Trong mỗi chiến thắng của đội này, thường có một cá nhân nào đấy bay bổng!
Vậy nên, trận chung kết Champions League sắp tới không chỉ trả lời đâu là HLV xuất sắc nhất châu Âu mùa này. Nó còn nói lên cả một xu hướng quan trọng: bóng đá bây giờ nên dựa vào tài nghệ cá nhân hay cách chơi đồng đội?