Barca lần thứ 4 vào chung kết Champions League: Sức bật từ hàng thủ “lạ mà quen”
HẬU VỆ GẮN LIỀN VỚI TIỀN ĐẠO
Mọi người đều biết, Barcelona đã bỏ hẳn cách chơi Tiqui-Taca quen thuộc. Bây giờ, ưu tiên một khi các hậu vệ Barcelona có bóng là họ phải làm sao đưa bóng về phía tiền đạo theo một con đường nhanh nhất, đơn giản nhất. Họ phải có khả năng hoán chuyển thế thủ sang thế công chỉ bằng 1-2 đường chuyền. Bây giờ, tiền vệ Barcelona trụ lại giữa sân nhiều hơn, hậu vệ thì làm việc nhiều hơn, trong cả hai lĩnh vực: tấn công và phòng ngự.
Đấy là một phần của lý thuyết bóng đá, lại là phần quan trọng liên quan đến vấn đề hiệu quả. Ngày xưa, đội tuyển Brazil rực rỡ của thế hệ Zico, Socrates, Falcao làm mưa làm gió ở các kỳ World Cup 1982, 1986. Họ tấn công, trình diễn, ghi bàn. Nhưng Brazil thất bại với cách đá tấn công bằng tiền vệ. Đội tuyển BĐN thời Luis Figo hoàn toàn là một bản sao của Brazil ấy.
Barcelona mùa trước cũng khá tương đồng. Tấn công bằng tiền vệ thì số đông phải lao lên và khu giữa sân bị phơi bày, mất luôn khả năng phòng thủ từ xa. Ngay cả trong thời kỳ Tiqui-Taca rực rỡ nhất, người ta vẫn chỉ vào hàng phòng ngự như một nhược điểm (nếu có) của Barcelona.
Ngày xưa, Brazil điều chỉnh cách chơi: khi hậu vệ tham gia tấn công thì tiền vệ phải trụ lại giữa sân. Nhiệm vụ ghi bàn được trả lại cho tiền đạo. Họ vô địch World Cup 1994. Đấy là đỉnh điểm của một thời kỳ rất ít người nhận ra: suốt 12 năm liền (1986-1998), tiền vệ Brazil mới ghi 1 bàn ở đấu trường World Cup! Đấy cũng là thời kỳ mà hễ nói đến sức tấn công của Brazil, người ta phải nói đến các hậu vệ liền ngay sau các tiền đạo. Không thể tách rời hậu vệ với tiền đạo trong cách chơi như thế.
HLV LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH
Barcelona mùa này cũng thay đổi cách chơi theo con đường ấy. Nhưng tất nhiên, đấy không phải là sự thay đổi cách chơi đơn thuần. Muốn làm gì, trước tiên đều phải xem xét khả năng thực tế của từng cá nhân.
Dưới thời Luis Enrique, các hậu vệ Barcelona đều tiến bộ hẳn. Về thủ, họ luôn phối hợp thành công, người nào ra việc ấy, chơi rất chắc chắn, lại ít phạm lỗi. Về công, khả năng chuyền dài chính xác của các hậu vệ vừa giúp bộ ba tiền đạo phía trên thường xuyên có nhiều cơ hội tấn công, vừa gây áp lực khiến hậu vệ, tiền vệ đối phương phải dè chừng, bớt lên tấn công. Đấy cũng là nguyên nhân khiến Barcelona có lối chơi đa dạng hơn, thậm chí phản công cũng rất sắc bén.
Lạ ở chỗ, cũng chỉ với những con người như thế, nhưng Barcelona mùa trước phòng thủ rất lỏng lẻo. Bây giờ, họ xuất sắc từ khía cạnh cá nhân đến đồng đội, từ phòng thủ đến tấn công.
Xem lại trận thắng Real Madrid 2-1 ở “Siêu kinh điển” lượt về (một trong những trận quan trọng nhất, mang tính quyết định của cả mùa này), sẽ thấy rõ ràng. Ở trận ấy, hậu vệ Barcelona ghi bàn, chuyền thành bàn, cứu nguy, tranh đoạt lại bóng, tổ chức tấn công. Họ làm hết, và làm tốt, mọi việc cần làm trong bóng đá!
Một sự lột xác như thế hẳn nhiên phải xuất phát từ HLV. Luis Enrique từng vươn lên ở Serie A nên cũng chẳng lạ khi ông truyền sự xuất sắc vào hàng thủ Barcelona một cách dễ dàng. Có đến 9 hậu vệ khác nhau từng khoác áo Barcelona mùa này, riêng cầu môn thì do 2 thủ môn khác nhau đảm trách, chia việc ở Champions League và La Liga. Nhưng tóm lại, dù là hàng thủ nào ra sân, Barcelona của Enrique cũng luôn vững chắc.
LÀM CHỦ CÁC TÌNH HUỐNG CỐ ĐỊNH
Mùa này, giới hâm mộ Barcelona thường thấy một “gương mặt lạ” đứng ngoài đường biên hò hét chỉ đạo! Đấy chẳng phải là Enrique? Vâng, không phải. Đấy là Juan Carlos Unzue, người trợ lý mà Enrique tuyển chọn khi ông lần đầu dẫn dắt Barcelona.
HLV Unzue chính là tác giả của mọi sự khởi sắc nơi các hậu vệ Barcelona. Ông đặc biệt thành công trong việc huấn luyện cách xử lý tình huống cố định, cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Đấy chính là lý do vì sao mỗi khi trên sân có một quả phạt - ở bất cứ phần sân nào - Enrique đều nhanh chóng lùi lại, để người trợ lý Unzue tiến ra chỉ đạo.
Hình như, chưa bao giờ Barcelona ghi bàn từ tình huống cố định nhiều như mùa này. Ngược lại, bạn có nhớ được những lần gần đây Barcelona thủng lưới vì tình huống cố định? Cú đội đầu của Medhi Benatia (Bayern Munich) ở Champions League thì quá rõ rồi. Nhưng trước đó? Lần gần nhất đã diễn ra hồi tháng 10/2014!
Nói về phòng ngự thì quá rõ ràng: sân tập là của Unzue, bài bản chiến thuật là của Enrique. Họ đều thành công. Và ngay bây giờ, Barcelona được công nhận gần như tuyệt đối là đội mạnh nhất thế giới.
Phía trên, chẳng cần giới thiệu cái hay của Messi, Suarez, Neymar. Nhưng họ xuất sắc trước tiên là nhờ tài năng cá nhân. Những ngôi sao như họ, cứ bỏ tiền ra mua là được. Cái hay nơi hàng phòng ngự Barcelona mùa này mới đáng trân trọng. Bởi đấy là sản phẩm của ban huấn luyện, là thành quả tập thể. Cũng bởi đấy là cái hay không thể mua bằng tiền.
7 tháng mới thua từ tình huống cố định Ở trận đấu gần đây nhất, Barcelona thua 2-3 trên sân Bayern Munich, trong hoàn cảnh họ đã coi như nắm chắc vé vào chung kết Champions League từ sau trận thắng 3-0 ở lượt đi. Bàn mở tỷ số của Medhi Benatia cho Bayern chính là bàn thua đầu tiên của Barcelona trong 645 phút. Trước đó, họ đã giữ vững mành lưới trong 7 trận liên tiếp, trước Valencia, PSG, Espanyol, Getafe, Cordoba, Bayern và Sociedad. Bàn thắng của Benatia cho Bayern là lần đầu tiên trong vòng 7 tháng, Barcelona thủng lưới từ một tình huống cố định! Hậu vệ quá tuyệt vời Khi Barcelona thắng Real Madrid 2-1 trong trận “siêu kinh điển” lượt về ở La Liga mùa này, các hậu vệ ghi 1 bàn, góp 1 đường chuyền thành bàn, ngăn cản 1 bàn thua và chỉ phạm lỗi tổng cộng 3 lần. Cụ thể: hậu vệ phải Dani Alves chuyền bóng cho Luis Suarez ghi bàn, trung vệ Jeremy Mathieu đội đầu thành bàn, trung vệ Gerard Pique ngăn cản bàn thua trong một pha bóng mà anh là hậu vệ cuối cùng. Pique và hậu vệ trái Jordi Alba đều không có pha phạm lỗi nào. Alves phạm lỗi 2 lần, Mathieu phạm lỗi 1 lần. Cũng ở trận ấy, các hậu vệ đoạt lại bóng cho Barcelona tổng cộng 39 lần (Alves 9 lần, 3 hậu vệ còn lại mỗi người 10 lần). Kỷ lục mới cho hàng phòng ngự Ngay lần đầu tiên khoác áo Barcelona, thủ môn Claudio Bravo (ảnh) đã lập được một kỷ lục quan trọng. Anh là thủ môn đầu tiên trong lịch sử Barcelona vượt qua 7 vòng đầu tiên ở La Liga mà không phải vào lưới nhặt bóng. Kỷ lục cũ thuộc về Pedro Maria Artola, ở mùa bóng 1977/78. Sau 755 phút (hay phút 35 của vòng đấu thứ 9), Barcelona mới có bàn thua đầu tiên ở La Liga mùa này. Đấy là quả phạt đền của Cristiano Ronaldo, ở trận “Siêu kinh điển” lượt đi. |