1. Barcelona là CLB mạnh nhất thế giới, đến Sir Alex Ferguson cũng khẳng định điều đó. Nhưng họ chưa bao giờ là thương hiệu mạnh nhất của bóng đá thế giới. Đó luôn là Manchester United.
Năm 2007, lần đầu tiên tạp chí danh tiếng Forbes tung ra danh sách giá trị của các thương hiệu trong thể thao. M.U khi đó đang trải qua một cuộc khủng hoảng danh hiệu dài: họ chưa nâng thêm được chiếc cúp nào kể từ sau FA Cup năm 2004. Nhưng khi ấy, Forbes định giá cái tên của M.U tới 351 triệu USD. Xin nhấn mạnh là chỉ cái tên không. Cụm từ “Manchester United” khi gõ ra phải dùng tới 17 ký tự và 2 lần giữ phím Shift, nhưng vẫn đắt gấp 3 lần chữ “Barcelona” (130 triệu USD).
3 năm sau, Barca phất lên. Họ giành thêm một chức vô địch Champions League, đặt dấu ấn mạnh mẽ trong 2 chức vô địch EURO và World Cup của đội tuyển Tây Ban Nha. Ai nấy đều thừa nhận Barca là đội bóng mạnh nhất hành tinh (kể cả Sir Alex Ferguson).
Nhưng nếu chỉ tính các CLB bóng đá, vị trí của cả 2 trên BXH vẫn y nguyên: M.U xếp thứ nhất, Barca xếp thứ 8, sau những Real Madrid, Bayern Munich và AC Milan. Lúc này, do tỷ giá giữa đồng USD và euro thay đổi, những con số giảm đi một chút, và với thành công của Barca, sự chênh lệch cũng thấp đi một chút: 285 triệu so với 180 triệu USD.
Sở dĩ xét đến giá của cái tên, bởi nó phản ánh rõ nhất mức độ nổi tiếng của một CLB. Tổng giá trị hoặc doanh thu thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố: độ giàu có của thị trường nội địa, độ hấp dẫn của giải VĐQG,...
2. Trận đấu ở FedEx Field giữa Barca và M.U lúc này không phải là một cuộc chiến vì danh hiệu, cũng chẳng phân định đẳng cấp thể thao. Nó là một cuộc chiến thương hiệu.
Hãy nhìn cách M.U hành quân đến Mỹ. Họ mang theo một bộ sậu gồm hơn 80 người dù chỉ có 25 cầu thủ. Nhiếp ảnh gia riêng, người phụ trách website, nhân viên truyền thông, nhân viên thương mại... xếp đầy một chiếc máy bay. Chỉ còn mỗi nhân viên mặc mascot Quỷ đỏ là phải thuê tại chỗ. Rõ ràng, M.U không chỉ đến Mỹ để đá bóng.
Barcelona đã không thể cải thiện được giá trị của cái tên trong suốt một giai đoạn thống trị, bây giờ là lúc họ phải hành động. Ai cũng chỉ có một thời. Có thể cái thời của Barca sẽ kéo dài lâu, nhưng để trắng tay 3 năm liền mà vẫn là thương hiệu thể thao đắt giá nhất thế giới, thì chỉ liên tiếp giành danh hiệu trong lòng châu Âu không là chưa đủ.
Barca còn phải biết giành giật từng CĐV với những “cái tên” khác. Và sẽ chẳng đâu tốt hơn là ở Mỹ - thị trường giải trí lớn nhất thế giới, nơi mà bóng đá vẫn còn là thứ khiến người ta tò mò.
3. Ai nghĩ rằng đây chỉ là một trận đấu biểu diễn, người đó đã nhầm. Giá của nó có thể sánh ngang với chung kết Champions League. Ở đây, là những nguồn lợi lâu dài, là cả một mỏ vàng cần khai phá. Có bao nhiêu đứa trẻ Mỹ chưa xác định được mình thích “cái tên” nào hơn trong số những Barca, Chelsea, M.U hay Real Madrid…?
Trước mùa Hè năm nay, người ta thống kê được rằng Barcelona sẽ phải di chuyển tổng cộng 22.000 km để phục vụ cho các trận du đấu. Song những ai vì thế mà lo lắng cho thể lực các cầu thủ Barca hẳn có trí nhớ không được tốt: mùa Hè năm 2007, họ đã đi tới 28.000 km, ngay khi EURO 2008 vừa kết thúc, họ cũng bay tới 19.000 km để đá 5 trận giao hữu. Và nếu nhìn vào tốc độ tăng giá của cái tên Barcelona, có vẻ như thế vẫn còn... ít.
Nếu năm sau, cái tên Barca vẫn chỉ được định giá “bèo” dưới 200 triệu USD, hãy nguyện cầu cho thể lực của Xavi hay Messi.