Bốn năm trước, người anh trai của Tevez, một gã lưu manh lớn hơn Carlos 7 tuổi có tên Juan Alberto Martinez, nhận hình phạt 16 năm tù vì táo tợn tổ chức một vụ cướp xe chở tiền đến cây rút tiền tự động ATM vào ngày 23/6/2008. Juan bị bắt ngay tại khu Fuerte Apache, cùng với đồng bọn chính là người anh rể của Tevez - Carlos Avalos. Mặc dù mang họ khác nhau, nhưng Juan và Carlos Tevez là anh em ruột. Khi được 8 tháng tuổi, Carlos bị bỏng nước sôi (tạo ra vết sẹo ở cổ hiện tại của anh), và được trao hẳn cho bà dì Adriana Martinez nuôi nấng, vì bà không thể có con. Carlos đổi sang họ chồng của bà Adriana, là Tevez.
Số phận của Carlitos đáng ra sẽ chẳng khác là bao so với những người anh em của mình và rất nhiều những đứa trẻ lớn lên ở mảnh đất quỷ dữ này, nơi tỉ lệ tội phạm vị thành niên cao bậc nhất thế giới. Báo chí Argentina viết rằng cứ 10 kẻ bị bắt giữ ở Fuerte Apache, thì 7 trong số đó là vị thành niên, và đáng nói hơn, chúng đều có trang bị vũ khí. Cách đây 12 năm, khi Tevez mới 16 tuổi, một thống kê kinh hoàng chỉ ra rằng trong số 1.825 đứa trẻ từ 9 đến 14 tuổi ở Fuerte Apache, thì có đến 340 đứa bị giết (bằng súng, hoặc ma túy) hoặc bị tống vào tù trước khi chúng đạt 15-19 tuổi. Giống như một mảnh đất hoang dã mà mỗi cá thể sống trong đó phải chọn cách thích ứng để tồn tại, hoặc trở thành quỷ dữ, chìm đắm trong tội ác, ma túy và cái chết ám ảnh cả trong giấc ngủ, hoặc tìm một con đường khác để thoát khỏi địa ngục trần gian này.
Bức graffiti lớn nhất về Tevez, được thực hiện ngay bên ngoài tòa nhà anh đã sinh ra và lớn lên- Ảnh Internet
Nơi nương náu của lòng trắc ẩn
Nhưng những nơi nương náu của lòng trắc ẩn, hướng thiện và sự cầu tiến vẫn tồn tại, như một thành trì bảo vệ cho số ít ỏi những đứa trẻ khác muốn lớn lên như một con người thật sự. Trong khu phố ấy có 3 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, một trường trung học và thêm một trường dạng phổ cập khác dành cho những người lớn mù chữ muốn được đi học. Người ta cũng cho xây một nhà nguyện mà ở đó, lễ rửa tội diễn ra hai lần trong một tháng, và ba nhà thờ truyền giáo. Những đứa trẻ cần một thú vui nào đó để tránh xa tội ác? Ba câu lạc bộ bóng đá nhí được thành lập, mang tên Mi Refugio (tạm dịch: Nơi nương náu), El Triangulo (Tam giác) và Santa Clara. Carlos Tevez đã đá những quả bóng đầu đời ở đó, và hình ảnh vươn lên đầy nghị lực của anh sau này đã trở thành sự cứu rỗi cho mảnh đất cằn cỗi niềm tin này.
“Không bao giờ tôi có thể quên được khu Fuerte (Fuerte Apache, theo cách đọc của người Argentina) và gốc rễ của mình” - Tevez đã nói như thế, không phải là vào thời điểm anh đã trở thành một ngôi sao, mà là ngay khi bắt đầu rời khỏi khu ổ chuột tồi tàn này cách đây hơn một thập kỷ. Những người đã chứng kiến Carlitos lớn lên trong 16 năm ở Fuerte Apache đảm bảo rằng anh không bao giờ quên lời thề ấy: “Nó không quên trường học, những người bạn ấu thơ, và chúng tôi cũng không thể quên nó. Không phải nghi ngờ gì về Carlitos. Cầu thủ trong lòng mọi người ở đây là một con người rất giản dị” - bà Silvia Boliski, Hiệu trưởng trường tiểu học nơi Tevez từng theo học, trả lời tờ Clarin.
Trong trí nhớ của các giáo viên và bạn bè, Carlitos là một cậu bé “hơi mơ hồ, nhưng rất tình cảm, và luôn là một người bạn tốt” - Marta Mingiani, thầy giáo thể dục của Tevez và là người vẫn thường xuyên liên lạc với anh cho đến tận bây giờ, hồi tưởng: “Carli giống như mặt trời vậy, luôn luôn làm tốt mọi việc và rất biết dành thời gian quan tâm đến các bạn học”. Họ, cũng giống như nhiều cư dân của khu ngoại ô với khoảng 100 nghìn dân này, đã từng chứng kiến Tevez lớn lên một cách ngổ ngáo ở Fuerte Apache, với nụ cười ngoác ra đến mang tai và sự nhiệt tình trong mỗi lần ra sân, dù phần thưởng cho chiến thắng đôi khi chỉ là soda và bánh sandwich. Lớn lên một chút, mỗi khi trở về từ sân tập của đội bóng địa phương All Boys, Carlos cũng được đón chào như một người hùng trở về, và những giọt mồ hôi giống như chiến quả thu được của một ngày vất vả. Cậu bé ấy bỗng chốc trở thành biểu tượng của một khu ổ chuột nghèo đói và đầy tệ nạn, nhờ nghị lực sống, cá tính và bản lĩnh của mình.
Carlos Tevez (phải) trong một áp phích cổ động ngăn ngừa tội phạm tại thị trấn quê nhà Fuerte Apache- Ảnh Internet
Ở một mảnh đất đã quá thừa mứa nỗi đau, sự cầu tiến ấy luôn là báu vật vô giá. Cách đây hai năm, trong những trận mà Carlos Tevez ra sân ở World Cup, cư dân ở Fuerte Apache đã tập trung lại ở thư viện ngôi trường mà anh theo học để theo dõi, khóc, cười và đau đớn theo Carlitos yêu quý của họ. Tại đây, Tevez không chỉ là một thần tượng thể thao đơn thuần, mà còn là hiện thân của giấc mơ mà nhiều chàng trai tại Fuerte Apache đang ấp ủ: “Đối với họ, Carlos tạo được ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Từ một cậu bé bình thường như bao đứa trẻ tại đây, giờ chúng ta đã thấy những gì nó đạt được là một tấm gương tuyệt vời” - Hiệu trưởng của trường tiểu học nơi Carlos từng theo học, Silvia Boliski, nói.
“Che Guevara” của khu ổ chuột
Đó là một giấc mơ được nuôi dưỡng từ trong hiện thực rất cằn cỗi: “Chúng tôi không có nổi một đôi giày tử tế, và phải sử dụng một quả bóng tennis bị hỏng, thay vì một trái bóng đích thực cho đến năm tôi 11 tuổi. Bóng đá đường phố là điều vĩ đại nhất của thế giới này. Chỉ có bạn và bạn bè của bạn chống lại phần còn lại. Nếu có ai đó cảm thấy rằng hắn ta có thể nhét cả cái chân vào cổ họng của bạn, hắn sẽ làm thật đấy” - Tevez nhớ lại, không giấu nổi nỗi phấn khích. Bây giờ, trên những con phố gồ ghề sỏi đá ấy, lũ trẻ vẫn đá bóng hàng ngày, bên những bức tường đầy ắp hình graffiti của chính anh, người chẳng khác nào một Che Guevara của khu ổ chuột nghèo đói này, nơi phần lớn những đứa trẻ lớn lên đều không đủ bản lĩnh để chống lại quỷ dữ, để rồi hoặc gục ngã xuống chính nơi chúng vừa đá những quả bóng đầu đời trong những vụ thanh trừng băng nhóm, hoặc vào tù và phí hoài những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.
Nhưng khi Tevez rời khỏi “căn cứ” của tội ác ấy, và cái tên anh được cả thế giới nhắc đến mỗi ngày, Fuerte Apache như tìm được một lối thoát. “Tôi muốn cung cấp cho trẻ em tất cả mọi thứ để chúng có thể có cuộc sống tốt hơn. Tôi muốn làm điều đó trong nhiều năm tới. Tôi lớn lên ở một nơi mà bạn chẳng có nhiều cơ hội trong cuộc đời này, nếu không trở thành một cầu thủ. Bóng đá giúp bạn ngủ ngon mỗi đêm và bây giờ thì bạn biết rằng cần phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người”.
Carlitos đã dành một phần đáng kể thu nhập của mình để đóng góp xây dựng trường học, bệnh viện và các dự án thể thao tại quê hương anh, một sự tri ân cho thế giới đã nuôi anh lớn lên không phải bằng nhung lụa và những lời rao giảng đạo đức suông, mà bằng hiện thực đầy khó khăn. Thế giới của quỷ dữ ấy cần thêm những thành trì bảo vệ cho những đứa trẻ lớn lên, theo cái cách mà chính Tevez đã nương náu vào đó và thoát khỏi đói nghèo lẫn những ám ảnh về tội ác. Fuerte Apache cũng cần một hình ảnh như thế để nương náu, khi tiếng súng vẫn vang đều bên ngoài cửa sổ của mảnh đất đầy bất trắc này mỗi đêm, ma túy gần như được bán công khai và cảnh sát cũng không dám can thiệp vào guồng quay của quỷ dữ. Có một người đã bước ra khỏi vũng lầy ấy, và được cả thế giới biết đến: Carlos Tevez. Thế là đủ.
Phạm An
Chỗ nào cũng có Tevez! Một Tevez đầu trọc đang làm động tác tâng bóng. Ở một góc tường khác, một Tevez mặc áo Boca Juniors đứng chống nạnh đứng phía sau một khung thành được những đứa trẻ ở đây dựng lên sơ sài. Đi thêm vài bước chân, ta lại bắt gặp hàng loạt khuôn mặt Tevez nữa, khi thì được minh họa bằng cách phun sơn, khi thì bằng những mẩu báo nhỏ trên đó viết những dòng tin về anh được cắt ghép lại. Và ở trung tâm của Fuerte Apache, là một Tevez với mái tóc dài, cao bằng một tòa nhà 5 tầng, đang nhìn về phía trước với ánh mắt như chất chứa đầy hy vọng. Đó là tác phẩm của những nghệ sĩ đường phố tại đây, trong một dự án mà chính quyền địa phương và các cư dân đã nhờ họ khắc họa lại chân dung của Tevez trên những bức tường của thành phố. Trong đó, bức vẽ lớn nhất được thực hiện ngay tại nơi Carlitos đã sinh ra và lớn lên, bên ngoài ô cửa mà trước kia, gia đình anh vẫn phải đóng kín nó mỗi đêm, khi tiếng đạn bắn ầm ầm ngoài cửa, điều khiến Tevez phải làm quen, để có thể ngủ ngon. Tất cả những bức graffiti này được hoàn tất trong ba ngày, và theo lời các nghệ sĩ, thì “mọi người rất vui khi công việc hoàn tất, và sau đó, chúng tôi chơi bóng với lũ trẻ ở đây, nơi mà đứa nào cũng thần tượng Carlitos”. Tại châu Âu, khi Tevez “xịn” đang phải vật vã để trở lại với bóng đá, thì ở Fuerte Apache, rất nhiều “Tevez” khác đang đem đến niềm tin và hy vọng cho mảnh đất này, nơi mỗi đứa trẻ nhìn vào hình ảnh của anh trên bức tường để lớn lên, mơ ước và có đủ nghị lực để thực hiện ước mơ. Fuerte Apacheg -“thùng rác” của Argentina Đây là nơi mà chính phủ Argentina từng coi là chỗ để che giấu đi sự nghèo khó của thủ đô Buenos Aires vốn có 4 triệu người sống ở mức nghèo khổ. Trước World Cup năm 1978, dưới chế độ độc tài của Jorge Videla, Fuerte Apache trở thành nơi chứa dân di cư từ trung tâm thành phố, với khoảng 20 tòa nhà cao tầng được thiết kế cho 25 nghìn dân (nhưng thực tế, con số dân cư chen chúc ở đây thời điểm này là 100 nghìn người!). Thị trưởng thời ấy là Osvaldo Cacciatore đã cho tiến hành một chiến dịch “truy quét” tất cả những khu dân cư nghèo đói quanh các sân vận động đăng cai World Cup, và khu tái định cư được xây dựng một cách rất vội vã. Vào ngày 2/11/2000, hai tòa nhà số 8 và số 9 đã bị sập do thiết kế không đảm bảo. Tevez sống ở tòa nhà số 4, nơi cũng bị đánh giá là có cấu trúc tiềm ẩn nguy hiểm. Người ta gọi nơi đây là “Quân đội của dãy Andes”, với một hệ thống đường ngầm dưới lòng đất dẫn vào doanh trại quân đội gần đó, nơi được cho là đã được chính quyền độc tài của Videla sử dụng để tra tấn các tội phạm chính trị. Bị đặt dưới con mắt bàng quan của chính phủ trong nhiều năm, Fuerte Apache trở thành trung tâm của tội ác, nơi ma túy được bán công khai, tỉ lệ tội phạm vị thành niên cao bậc nhất thế giới, và ngay cả cảnh sát Buenos Aires cũng rất ngại dính vào những vụ thanh toán giữa các băng nhóm ở đây. |
Thethaovanhoa.vn