
Nhưng chính cơn bạo bệnh đó đã tạo ra một Nigeria mới…
Giành quyền tham dự World Cup 2010, lọt vào bảng đấu khá nhẹ với Argentina, Hy Lạp và Hàn Quốc, các CĐV, các quan chức bóng đá và cả Chính phủ Nigeria tin tưởng tuyệt đối rằng, đội bóng của mình sẽ vượt qua vòng bảng. Nhưng rồi hai thất bại ở 2 trận đầu tiên (Argentina 0-1, Hy Lạp 1-2) và trận hòa Hàn Quốc (2-2) đã sớm chấm dứt tham vọng hão huyền của Nigeria. Chỉ vài ngày sau (30/06/2010), Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã quyết định đình chỉ mọi hoạt động của ĐTQG trong vòng 2 năm. Lý do được đưa ra là nhằm ổn định xã hội và điều tra những nghi án biển thủ công quỹ, ăn bớt chi phí phát triển đội tuyển và những xung đột trong lòng đội bóng. Tuy nhiên, FIFA không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp chính trị nào vào tổ chức bóng đá. Vì nguyên nhân ấy, cộng thêm việc Hiệp hội cầu thủ bóng đá Nigeria (NANF) đâm đơn kiện đòi hủy bỏ kết quả bầu cử LĐBĐ nước này, ĐT Nigeria bị FIFA cấm hoàn toàn các hoạt động quốc tế, ở tất cả các cấp độ. Ngày 05/07/2010, Tổng thống Goodluck Jonathan đã rút lại lệnh cấm, nhưng FIFA vẫn quyết định cấm cửa Đại bàng xanh. Và phải đến khi NANF rút đơn kiện, FIFA mới tạm thời dỡ lệnh cấm vào ngày 26/10/2010, cho phép ĐT Nigeria trở lại với đấu trường quốc tế.
Cú sốc năm 2010 đã khiến bóng đá Nigeria chao đảo. Nhưng nếu nhìn sự kiện này với con mắt tích cực, thì đó lại là cú hích cần thiết và cực kỳ mạnh mẽ, giúp bóng đá Nigeria thay đổi, ít nhất là về tư tưởng, tâm lý và điều chỉnh hướng đi của cả nền bóng đá. Trở lại với CAN 2013, Nigeria thay đổi hoàn toàn. Họ đánh bại hàng loạt đối thủ lớn, từ Bờ Biển Ngà, Mali và hạ Burkina Faso ở trận chung kết để đăng quang chức VĐ châu Phi lần đầu tiên sau 19 năm chờ đợi. Danh hiệu đó đã đưa Nigeria đến với Confed Cup lần này, khi mà “án treo” của FIFA vẫn còn đó.
Có thể Nigeria sẽ tái xuất một giải đấu của FIFA với tinh thần, ý chí khác với kỳ World Cup cách đây 3 năm. Nhưng thành công đối với họ vẫn sẽ là một điều vô cùng khó khăn. Trong bảng đấu có mặt ĐKVĐ thế giới Tây Ban Nha, ĐKVĐ Nam Mỹ Uruguay và Tahiti, cơ hội đứng trong 2 vị trí đầu bảng của Nigeria không nhiều. Hơn nữa, trong lịch sử Confed Cup, chỉ có đúng 1 lần có một đội bóng châu Phi góp mặt ở chung kết, đó là Cameroon năm 2003 (thua Pháp 0-1). Năm 2009, với tư cách chủ nhà, Nam Phi cũng lọt vào bán kết ở bảng đấu khá dễ, chỉ có Tây Ban Nha là đối thủ chính (Iraq và New Zealand).
Nigeria, kẻ cuồng vọng ngày nào đã hồi tỉnh. Họ có thể đã thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó có lẽ chưa đủ để đưa Nigeria lên đỉnh cao như họ mong muốn. Đó vẫn là ảo vọng vĩ cuồng!