Lăng kính: Quyền lực những cú tắc
1. Uruguay đã sử dụng 81 cú tắc bóng, nhiều nhất giải đến thời điểm này với những trận đấu có tới 28 lần họ lao vào đoạt bóng trong chân đối phương, một mật độ kinh khủng. Và đó chưa bao giờ là điều lạ lẫm với đội bóng của Oscar Tabarez, đội bóng có thể tung 8 hậu vệ ra sân cùng lúc.
Đứng thứ 2 trong “quang phổ thực dụng” là Brazil, với 76 cú tắc bóng. Xu hướng thực dụng của Selecao đã trở thành chủ đề được nói đến rất nhiều kể từ đầu giải. Hàng công vẫn chơi khá sáng tạo và duyên dáng, nhưng những người hoạt động mạnh nhất trên sân, vẫn là các tiền vệ phòng ngự của họ.
Đứng thứ 3, là Italia, với 71 cú tắc. Họ là một đội bóng đang chuyển mình để đi theo lối chơi tấn công. Đó là một chủ trương lớn, chứ không phải là sự lạc đường.
Và xếp cuối tất nhiên là Tây Ban Nha, với 61 lần tắc bóng. Đó là những người khinh bỉ những cú tắc bóng đến tận xương tủy.
2. Xabi Alonso, người đã có 5 năm chơi bóng ở Anh với tư cách một trong những tiền vệ phòng ngự xuất sắc nhất giải, thể hiện sự coi thường văn hóa bóng đá Premiership, văn hóa của những cú tắc trong một bài phỏng vấn mới đây.
Anh nói: “Tôi không nghĩ tắc bóng là một loại phẩm chất. Chỉ nên coi nó là một phương án bạn đôi lúc phải dùng đến, chứ không nên là một đặc thù của lối chơi. Thời ở Liverpool, tôi hay đọc những bài phỏng vấn các cầu thủ trẻ. Người ta hỏi họ rằng phẩm chất ưu việt của cậu là gì? Rồi họ trả lời: Sút bóng và tắc bóng. Óc tôi không chứa được việc người ta dạy bọn trẻ rằng tắc bóng là một loại phẩm chất, là thứ bạn có thể biến thành đặc thù của lối chơi”.
Tắc bóng, hay cụ thể hơn là việc người ta nhoài người, phi chân về phía quả bóng đang nằm trong chân đối phương để đoạt lấy quả bóng, vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi trong bóng đá vì tính bạo lực và ranh giới mong manh giữa “động tác chuyên môn” và “hành vi phi thể thao” mà nó ẩn chứa.
Nhưng khinh tắc bóng đến mức cực đoan thì chỉ có thể là người Tây Ban Nha. Họ tôn thờ tuyệt đối lối chơi phong nhã với những đường chuyền ngắn, đều đặn, chậm rãi. Họ phòng ngự cũng bằng cách chuyền ngang cho nhau hoặc cắt đường chuyền của đối phương. Đúng như Alonso nói, “tắc bóng chỉ là một phương án”.
3. Brazil và Tây Ban Nha sẽ gặp nhau trong một trận cầu thượng đỉnh với rất nhiều ý nghĩa. Nhưng một trong những ý nghĩa của trận chung kết Confed Cup 2013 là phân định vai trò của những cú tắc bóng trong xu hướng bóng đá hiện đại.
Trong những ngày mà “hộ vệ” Paulinho của Brazil đang được tán dương như một hiện tượng, anh sẽ chiến đấu với những người Tây Ban Nha để đưa ra tuyên bố về những cú tắc. Paulinho tắc bóng nhiều gấp 4 lần cắt bóng, còn Alonso hay Busquets, những tiền vệ phòng ngự của Tây Ban Nha, chỉ thích phán đoán và cắt các đường chuyền của đối phương chứ không thích lao thẳng vào họ.
Những cú tắc thực chất sẽ là đại diện cho cuộc chiến giữa 2 trường phái bóng đá. Câu trả lời cho tương lai bóng đá sẽ là kiểu thực dụng thô ráp của Brazil hay lối chơi thiện phối hợp kiểu “quý tộc” mà người Tây Ban Nha đang truyền bá?