Brazil & Uruguay: Nỗi ám ảnh hơn nửa thế kỷ
CHIẾU TRÊN CHIẾU DƯỚI
Brazil luôn là cửa trên so với Uruguay, kể từ World Cup 1958, World Cup đầu tiên Selecao trở thành nhà vô địch. Kể từ đó, Brazil cũng thắng Uruguay nhiều hơn, và dễ hơn, trong những lần đối đầu. Thế thì vì lẽ gì, một kẻ bề trên, lại có thể đau đớn mãi vì một trận thua sát nút 1-2 tại World Cup 1950?
Chẳng phải nhờ thất bại đó mà bóng đá Brazil đã lột xác mạnh mẽ đó sao? Đã từng có cả những cuốn phim tư liệu nhận định rằng, thất bại tại World Cup 1950 đã khiến xứ Samba có một động lực mạnh mẽ, không chỉ trong bóng đá mà ở cả các mặt khác trong xã hội. Từ đó, họ đã chuyển mình mạnh mẽ và song hành cùng chức vô địch đầu tiên năm 1958 là cả một biến chuyển tích cực của nền kinh tế Brazil. Lẽ ra, người Brazil phải cảm ơn Uruguay đã cho họ nhận thức được lòng tự tôn mới phải. Đằng này…
Trận Brazil - Uruguay năm 1950
Người Brazil “ghét” thất bại năm 1950 không phải chỉ vì đó là World Cup trên sân nhà mà vì với họ, Uruguay là kẻ luôn nằm chiếu dưới. Uruguay vốn thuộc về “đế chế” Brazil và chỉ tách ra khỏi đó từ năm 1825 mà thôi. Nhưng chính kẻ kèo dưới ấy lại đi nhanh hơn Brazil trong bóng đá với vị thế là nhà VĐTG đầu tiên. Hơn nữa, tại đấu trường Copa America, Brazil dù sao cũng chỉ là “trẻ trâu” nếu so sánh với Uruguay hay Argentina ở số lượng chức vô địch. Selecao không thích đối thủ láng giềng này là ở chỗ đó. Và việc để một đối thủ thuộc hạng kèo dưới như thế lật đổ ngay tại sân nhà hồi năm 1950 đã thành một vết thương kéo dài cũng vì lẽ đó.
VÀ NHỮNG KẾ HOẠCH SỤP ĐỔ
Thập niên 1950 đánh dấu sự đổi mới tư duy của người Brazil trong mọi mặt của xã hội. Đó là thời điểm xây dựng mới, tái thiết lại cũng như củng cố niềm tin vào một chủ thuyết mới. Khát vọng hướng ra thế giới, xác định một vị thế Brazil cũng là mục tiêu của cả một quốc gia rộng lớn bậc nhất Nam Mỹ. Và không có cách xây dựng hình ảnh nào đẹp hơn việc tạo ra một World Cup đẹp với thành công mọi mặt của chủ nhà, đồng thời dựng lên những cá nhân mang tính biểu tượng. Trước trận gặp Uruguay năm đó, Brazil được đánh giá cao hơn hẳn và chỉ cần một kết quả hòa cũng đủ đưa họ lên ngôi vô địch. Nhưng Uruguay đạp đổ tất cả, bằng một nỗ lực bền bỉ và bất ngờ. Khoản tiền thưởng trị giá quy đổi khoảng 10.000 bảng Anh cho Selecao (một mức thưởng cực lớn thời điểm ấy) cũng là một hứa hẹn đầy hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế Brazil thời bấy giờ. Nhưng cuối cùng, tất cả mọi niềm tin đều sụp đổ và nó khiến cả một quốc gia phải rã rời suốt một thời gian dài. Niềm tin đó chỉ được khôi phục lại vào năm 1958, nhưng dấu ấn Uruguay thì vẫn luôn vẹn nguyên nếu ai đó nhắc lại.
Năm 1958, Brazil đưa ra được cá nhân biểu tượng mang tên Pele nhưng vẫn nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho những Ademir, Zizinho, những người có khi cũng xứng đáng chẳng kém gì “ông Vua hay nổ” sau này. Cái tiếc cá nhân cho kế hoạch xây dựng những con người biểu tượng đó cũng chính là đầu mối, dù có thể nhỏ thôi, cho những nuối tiếc kéo dài cho đến tận hôm nay…
VÀ MỘT KỶ LỤC THẢM HẠI
Sân Maracana mùa Hè năm 1950 đó chứng kiến khoảng 170.000 khán giả nô nức kéo tới mong thấy một tương lai được mở ra. Đó cũng là một kỷ lục khán giả tới sân của bóng đá và người Brazil có quyền hãnh diện về điều đó. Nhưng sự hãnh diện đó bị tạt một gáo nước lạnh khi chừng đó con người phải cùng chứng kiến một thất bại đáng xấu hổ. Nó giống như kiểu một người cứ tin chắc mình đã đoạt được một giải thưởng cao quý nào đó và kéo cả họ đến gala trao giải hòng chung vui. Nhưng khi cái tên cuối cùng được xướng lên, sự ê chề mới xuất hiện. Và đó mới chính là sự ê chề kéo dài nhất, đáng hận nhất.
Người Brazil hận Uruguay kéo dài bao nhiêu năm nay là bởi thế. Một trận thua 1-2 có thể được gỡ lại thể diện bằng những đại thắng 3-0 hay nhiều hơn, nhưng một thất bại đúng lúc phải được trả bằng một đại thắng đúng lúc. Trận bán kết Confederations Cup này cũng chưa phải là đúng lúc với người Brazil và kể cả trận chung kết World Cup 2014 với Uruguay (nếu có) cũng không hề đúng lúc như thời điểm năm 1950. Chính vì thế, người Brazil luôn khát những chiến thắng trước Uruguay bất kể lúc nào, tại địa điểm nào. Đơn giản, họ cần quên đi một vết thương đã vượt quá tầm của một lần bại trận…