Lăng kính: Học viện & Đường phố
1. Tiến sỹ Stuart Brown, một thành viên của Học viện lý giải về sứ mệnh của họ: “Có điểm gì chung giữa những người đoạt giải Nobel, những nhà tài phiệt tiên phong, các nghệ sỹ, những đứa trẻ lành mạnh, những cặp tình nhân và những gia đình hạnh phúc? Đó là việc họ đã say mê chơi suốt cuộc đời mình”.
Từ lâu người ta đã biết đến giá trị của những trò chơi trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục kỹ năng mềm cho mọi người. Giá trị của thể thao nói riêng và bóng đá nói chung cũng nằm cả ở đấy.
Nhưng khi bóng đá rời xa ý nghĩa của một môn chơi để trở thành một phần của ngành công nghiệp giải trí, người ta có quyền tự hỏi rằng những người tham gia vào môn thể thao ấy có còn “chơi” nữa hay không?
2. Các học viện bóng đá châu Âu bắt các học viên phải sống xa nhà từ năm 11-12 tuổi với mong muốn biến các em thành những siêu sao trị giá hàng chục triệu euro. Từ độ tuổi đó, họ đã được đào tạo bài bản để hướng tới một cái đích cuối: trở thành những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Thật khó mà nghĩ rằng đó là một cuộc chơi. Đó là một ngành công nghiệp, với những quy trình sản xuất chặt chẽ, với những sản phẩm cuối cùng cũng mang tính chất “công nghiệp”.
Tính sáng tạo cá nhân ngày càng ít được tôn vinh trong bóng đá châu Âu. Họ cần những cầu thủ có thể trở thành một miếng ghép hoàn hảo trong một cỗ máy thống nhất.
Đó tất nhiên cũng là một cách “chơi”. Nhưng người Nam Mỹ không chơi theo cách đó. Bóng đá ở đây vẫn được phát triển thuần khiết hơn: những đứa trẻ vẫn chơi bóng trên các con phố cho tới 15-16 tuổi. Thậm chí ngay cả khi có cơ hội được đá cho một đội bóng địa phương, chúng cũng không thể gia nhập, như trường hợp của những Luis Suarez hay Ronaldinho. Bởi cha mẹ họ quá nghèo để có thể mua một đôi giày đinh xa xỉ.
Đường phố là một trong những học viện quan trọng nhất của bóng đá Nam Mỹ
3. Bóng đá cần những lò đào tạo quy củ như các học viện bóng đá châu Âu. Nhưng bóng đá cũng cần sự hồn nhiên bất diệt của nền bóng đá Nam Mỹ.
Chỉ có ở Nam Mỹ, người ta mới tìm thấy những số phận, những câu chuyện mà trong đó các chú bé không đủ tiền mua giày hay không có tiền đi xe buýt đến sân tập, nhưng rồi trở thành những siêu sao hàng đầu thế giới. Nó cho người ta cảm giác rằng bóng đá là môn chơi của tất cả mọi người chứ không chỉ là của những đứa trẻ sống quanh khu La Masia ở ngoại ô thành phố Barcelona.
Châu Âu đã vô địch 2 kỳ World Cup liên tiếp. Và nếu bây giờ, chiếc cúp được trả về Nam Mỹ, đó là một tiến trình đẹp cho bóng đá.
Bởi vì dù thế nào, nó cũng nên là một trò chơi chứ không thể trở thành một ngành công nghiệp.