Brazil - Tây Ban Nha: Kinh điển của sự chờ đợi
Cuộc hội ngộ lịch sử
Vòng bảng World Cup 1986, Tây Ban Nha của Butragueno, Salinas chạm mặt Brazil của Socrates, Careca, Alemao. Brazil giành chiến thắng 1-0 (Socrates), và rút cuộc họ cùng nhau thống trị bảng đấu một cách tuyệt đối trước những Bắc Ireland, Algeria. Tuy nhiên, điều người ta ngỡ rằng đó là quyền lực mà họ sở hữu khi đó chỉ là sự ảo tưởng, với sức mạnh nửa vời.
Cả hai cùng bị loại ở tứ kết (Brazil thua Pháp và Tây Ban Nha bị Bỉ loại), và thực chất Đức mới là kẻ mạnh nhất ở châu Âu, còn Argentina mới là người thống trị Nam Mỹ. 27 năm sau, thế cuộc đã thay đổi. Tây Ban Nha thực sự là số 1 châu Âu. Còn Brazil dù không có danh hiệu lớn nào trong vài năm qua, nhưng họ đang trở lại mạnh mẽ. Và bằng chứng hùng hồn nhất chính là ngày họ quật ngã quyền lực Nam Mỹ Uruguay ở vòng bán kết vừa qua (2-1).
Sau khi lỡ hẹn gặp nhau ở Confed Cup 2009 (Tây Ban Nha bị Mỹ loại ở bán kết), đây sẽ là một cuộc đụng độ siêu kinh điển, giống như một cuộc chiến tranh giành, phân chia “quyền lực thống trị tạm thời”, với danh hiệu được coi là bước đệm cho World Cup 2014. Và đương nhiên, đó chính là trận cầu mơ ước, với kịch bản mang đến sự hài lòng tuyệt đối cho FIFA. Sau trận chung kết Confed Cup 2009 giữa Brazil và Mỹ không được đánh giá cao về giá trị thương hiệu, trận chung kết giữa Brazil và Tây Ban Nha sẽ là sự tái khẳng định cho tầm vóc của Confed Cup, điều mà FIFA đang tạo dựng và hướng tới.
Có lẽ không còn gì tuyệt vời hơn khi ở Maracana góp mặt 2 đại diện ưu tú này. Đó là ý nghĩa đối với FIFA. Còn với thế giới, đây cũng sẽ là cuộc chơi thu hút toàn cầu, khi mà lâu lắm rồi ta mới lại được xem một trận chung kết một giải đấu tầm cỡ giữa hai đại diện ở hai châu lục mang tính biểu tượng của bóng đá thế giới.
Trận chiến chia đôi thế giới
Lần gần nhất trận chung kết giữa hai đại điện châu Âu và Nam Mỹ là trận chung kết World Cup 2002 giữa Đức và Brazil. Confed Cup 2005 là trận chiến của riêng Nam Mỹ (Brazil và Argentina). Sau ngày đó, Nam Mỹ hoàn toàn lép vé so với cựu lục địa. World Cup 2006 được coi là EURO mở rộng với những đại diện Nam Mỹ chỉ như đóng vai trò “khách mời”. 4 ĐT ở bán kết đều thuộc Nam Mỹ.
Đến World Cup 2010, một lần nữa lại là trận chung kết nội bộ châu Âu (Tây Ban Nha - Hà Lan). Như vậy, phải đợi 11 năm, bóng đá thế giới mới lại có một trận chung kết World Cup hoặc Confed Cup là màn kịch chiến giữa đại diện của hai châu lục có nền bóng đá hùng mạnh nhất toàn cầu.
Những ý nghĩa đó là quá đủ để mang cho trận cầu Brazil - Tây Ban Nha những chờ đợi đầy thú vị. Và điều tạo ra nhiều bàn tán từ giờ đến khi trận đấu khởi tranh là: kẻ nào sẽ có quyền năng thống trị thế giới trong vòng 1 năm tới? Tây Ban Nha thời điểm này quá vĩ đại khi liên tiếp 2 lần vô địch EURO và là ĐKVĐ World Cup. Nhưng trong một trận chung kết, danh hiệu không phải là tất cả. Brazil đang ở trong tình trạng của kẻ khát giữa sa mạc. Chức vô địch Confed Cup ngay trên sân nhà sẽ tạo ra cú hích tâm lý và cả một sự đột phá về tầm vóc cho sự hồi sinh của một thế lực, một thế lực mà hiện nay đã tụt xuống hạng 22 trên BXH FIFA.
Ưu thế một chút nghiêng về Brazil. Nhưng có lẽ ý nghĩa của cuộc chiến sau 27 năm mới tái hiện còn tạo ra sự huyền bí, hấp dẫn hơn rất nhiều!
CON SỐ
2.Trận Tây Ban Nha thắng Italia ở bán kết mới là trận bán kết thứ 2 trong lịch sử Confed Cup phải phân thắng bại bằng luân lưu (Brazil - Mexico 1-1, luân lưu: 5-6 năm 2005).
4.Đây là trận chung kết một giải lớn thứ 4 của Tây Ban Nha trong vòng 5 năm qua sau các trận chung kết: EURO 2008 (gặp Đức), World Cup 2010 (Hà Lan), EURO 2012 (Italia). Họ đã thắng cả 3 trận chung kết đó.
6.Trong 3 trận chung kết của Tây Ban Nha trong 5 năm qua, họ ghi được 6 bàn thắng và chưa thủng lưới bàn nào (Đức 1-0, Hà Lan 1-0, Italia 4-0).
8.Với 5 pha lập công ở Confed Cup 2013, tiền đạo Torres của TBN đã có 8 bàn trong lịch sử giải đấu này. Chỉ cần 1 bàn nữa, anh sẽ san bằng kỷ lục 9 bàn của Blanco (Mexico) và Ronaldinho (Brazil) tại Confed Cup.