
1. Nếu hỏi rằng tuyên bố nào nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá hiện đại, hẳn mỗi người sẽ có đề xuất riêng. Có người sẽ tin rằng đó là câu: “Bàn thắng ấy được ghi với bàn tay của Chúa” mà Maradona đã nói năm 1986. Hoặc một vài người sẽ nhớ đến phát ngôn đầy bi kịch của cựu danh thủ Anh Gary Lineker: “Bóng đá là trò chơi mà 22 người đàn ông đuổi theo 1 quả bóng, và sau đó người chiến thắng là người Đức”…
Nhưng nếu phải chọn ra tuyên bố quan trọng nhất của bóng đá, lại rất đơn giản: “Develop the game, touch the world, build a better future” (tạm dịch: “Phát triển bóng đá, chạm đến thế giới, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”), hẳn nhiều người đã đoán ra: đó là tuyên ngôn sứ mệnh của FIFA.
Cũng như rất nhiều tuyên ngôn sứ mệnh khác, đó là một câu rất bao quát. Nhưng chỉ tuyên ngôn chung chung ấy cũng đủ trở thành bằng chứng “cáo buộc” có nhiều hoạt động của FIFA chưa đi theo sứ mệnh chính họ đưa ra.
Đặc biệt là trong trường hợp của FIFA Club World Cup - giải đấu quan trọng thứ 2 trong hệ thống thi đấu bóng đá toàn cầu.
2. Hãy đi vào từng vế của tuyên ngôn. Đầu tiên là “phát triển bóng đá”. Chất lượng chuyên môn của FIFA Club World Cup phản ánh sự “vô dụng” của nó trong sứ mệnh này. Việc nhặt các CLB từ các châu lục khác nhau, có đẳng cấp cực kỳ chênh lệch và ném chung vào một giải đấu không thể tạo ra sức cạnh tranh, động lực hay bất kỳ yếu tố “phát triển bóng đá” nào khác.
FIFA Club World Cup cũng chưa hề “chạm đến thế giới”. Báo cáo tài chính năm 2010 của FIFA không công bố chính xác doanh thu của giải đấu, nhưng có thể dễ dàng nhận ra sự quan tâm của thị trường (vốn đồng thời phản ánh sự quan tâm của khán giả - các khách hàng) qua những gì được đưa ra. Tổng doanh thu bản quyền truyền hình là 2.448 triệu USD thì 2.408 triệu được tạo ra bởi World Cup ở Nam Phi. Tổng doanh thu từ marketing là 1.097 triệu thì 1.072 triệu cũng đến từ World Cup “xịn”. Mấy “số lẻ” còn lại, dễ dàng nhìn ra là đi từ túi của Toyota, nhà tài trợ chính của FIFA Club World Cup và có lẽ là doanh nghiệp lớn duy nhất thực sự quan tâm đến giải.
Còn “xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”? Đây có lẽ là sứ mệnh ít liên quan đến FIFA Club World Cup nhất, thậm chí chẳng có cơ sở gì để phân tích về cái gọi là “tương lai”.
3. Nhiều người yêu bóng đá Anh hẳn vẫn nhớ bi kịch của Man United năm 2000. Họ không muốn dự giải đấu này, nhưng rồi bị FIFA “túm tóc kéo đi” kèm một lời đe dọa công khai rằng cơ hội tranh quyền đăng cai World Cup 2006 của nước Anh sẽ kết thúc nếu dám từ chối. Để bảo toàn sức lực, họ phải từ chối tham dự FA Cup, và rồi hứng chịu búa rìu từ dư luận Anh.
FIFA Club World Cup luôn được duy trì một cách miễn cưỡng như thế. Việc một CLB bị vắt kiệt sức bằng chuyến hành trình hàng nghìn cây số chỉ để chơi 2 trận đấu, rồi một cầu thủ dính chấn thương nặng nề như David Villa, không thể là phát triển bóng đá. Nó có thể chạm đến thế giới, nhưng để tạo ra sự bực bội. Nhất là sau khi FIFA cho thấy rằng có một phần lớn trong số các quan chức của họ là những kẻ ích kỷ sẵn sàng “ăn bẩn” từ khắp nơi.
Barcelona đã vô địch. Có lẽ họ vẫn sẽ nói những lời hào sảng, vẫn tỏ ra tự hào vì vị thế trên đỉnh thế giới. Có thể họ cũng vui thật.
Tất nhiên là trừ David Villa. Và những người vẫn tin rằng FIFA đang thành tâm thực hiện sứ mệnh cao cả mà họ đã đề ra.
Bongdaplus.vn