Khi World Cup 2006 diễn ra, Coca-Cola, công ty hơn thập kỷ trước tạo nên câu slogan “ăn bóng đá ngủ bóng đá” mà giờ lên đến tầm “tục ngữ”, in lên vỏ lon của mình một câu tiếng Anh đáng được xem là đỉnh cao của nghệ thuật marketing: “We all speak football”.
Hàm ý của câu khẩu hiệu súc tích ấy gần như không thể dịch ra tiếng Việt, chỉ có thể tạm hiểu là “Bóng đá là ngôn ngữ của tất cả chúng ta”. Nó không đúng ngữ pháp chính thống: lờ chữ “about” ở sau “speak” đi, thế là “football” được nghiễm nhiên thừa nhận là một ngôn ngữ, một thứ gì vượt quá tầm một môn thể thao, hay là tất cả mọi thứ trên đời, không cần giải thích nhiều. Nếu ghép vào câu slogan cũ của hãng này, thì sẽ thành “ăn bóng đá, ngủ bóng đá, nói bóng đá”.
Nghe thì hay rồi, nhưng “speak football”, tức là nói thứ ngôn ngữ bóng đá đích thực, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bóng đá đang hàm chứa quá nhiều yếu tố xã hội, và đôi khi vì thế mà người ta quên hẳn đi rằng “nói bóng đá” tức là phải nói về cái gì.
Báo chí Anh những ngày này, tất nhiên là cũng hướng tới trận Anh gặp Tây Ban Nha. Nhưng gần như không có bóng đá. Hai chủ đề lớn là đóa hoa anh túc (poppy) trên ngực áo các tuyển thủ Anh, và vụ phân biệt chủng tộc của John Terry với Anton Ferdinand.
Vụ đóa hoa tưởng niệm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất trên ngực áo, bị FIFA cấm không cho đeo, rồi cả nước Anh gây sức ép ngược lên tổ chức này, và thuyết phục được ông chủ tịch Blatter. Họ coi đó là một “chiến thắng tập thể”. Tờ Daily Mail giật tít to đùng: “Sức mạnh Poppy”. Các cầu thủ Anh thì tuyên bố việc được đeo đóa hoa ấy sẽ tiếp thêm cho họ sức mạnh để thắng trận.
Hoa làm nên sức mạnh? Các cây viết trào phúng của trang Yahoo!Sports mỉa mai: hoa ấy chỉ tiếp thêm sức mạnh cho Tam sư nếu nó là hoa anh túc thật, chứ không phải bằng nhựa. Người Anh sẽ đem nó vào sân, rồi lén cho vào nước tăng lực của ĐT Tây Ban Nha, thế là xong.
Vụ Terry phân biệt chủng tộc cũng nổi không kém, và làm nhiễu loạn tâm lý cả khán giả lẫn cầu thủ Anh. Phil Jones dành cả bài diễn văn để thể hiện sự tôn trọng với John Terry. “Anh ấy là thủ lĩnh đích thực của chúng tôi”. Thủ lĩnh đích thực của họ đêm nay không ra sân.
Người Anh không “nói bóng đá”, thành ra họ cũng không thể có tâm lý “ăn bóng đá ngủ bóng đá” được. Ngay trước khi trận đấu này diễn ra, ở sân Wembley sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm lớn nhân ngày 11/11. Trừ trường hợp người Anh thay được mặt cỏ trong một ngày, chuyện nghe cứ như đùa.
Tất nhiên là việc có thêm một đóa hoa mang tinh thần dân tộc trên ngực áo cũng khiến các cầu thủ hưng phấn phần nào. Nhưng chắc chắn không phải thứ có thể thắng được Tây Ban Nha.
Và tất nhiên là việc bày tỏ sự ủng hộ với John Terry cũng khiến nội bộ ĐT Anh yên tĩnh hơn phần nào. Nhưng cũng không phải thứ khiến Barry chơi hay như Xavi. Và khi Phil Jones cũng xao lãng vì Terry, và Terry lại xao lãng vì đóa hoa anh túc, thì lợi bất cập hại.
Cũng may là còn có người nói về bóng đá: Capello. HLV người Italia lờ tịt đi các hoạt động “ngoại khóa” của giới truyền thông, và chỉ nói về bóng đá.
Nhưng chỉ có một cái đầu tập trung “nói bóng đá” thì có đủ không? Nhất là khi cái đầu ấy… vẫn là cái đầu của World Cup 2010.