Cách đây vài hôm, ngồi cùng một số nhà báo kỳ cựu chuyên viết mảng võ thuật, anh Phương Tấn, người có thâm niên lâu năm trong làng võ đã bày tỏ: “Tôi vừa đi châu Âu dự liên hoan võ thuật về, nên rất tự hào khi tận mắt chứng kiến đông đảo môn sinh người ngoại quốc theo tập võ cổ truyền Việt Nam, thậm chí đông gấp nhiều lần so với môn Vovinam. Tuy nhiên, trong khi Vovinam đã phát dương quang đại để có trong hệ thống thi đấu của SEA Games lẫn Asian Indoor Games, cùng một hệ thống liên đoàn chỉn chu từ trong nước đến quốc tế, thì các môn phái võ cổ truyền vẫn phát triển rất manh mún và tự phát…”.
Anh Phương Tấn than thở như thế, bởi anh rất mong các môn phái võ cổ truyền ngồi lại với nhau để cùng phát triển những tinh hoa của võ Việt sâu và rộng khắp toàn cầu, tương tự Trung Quốc đã hợp nhất các môn phái võ của họ để có một môn wushu giờ đây đang truyền bá rộng rãi ở các đại hội thể thao quan trọng như SEA Games, ASIAD hơn chục năm nay.
Vậy nhưng giấc mơ của anh Phương Tấn rất khó thực hiện, chí ít là trong thời điểm này. Bởi nhiều năm qua, không ít người yêu mến võ cổ truyền đã từng nghĩ đến chuyện hợp nhất các môn phái võ Việt thành một hệ thống nhất, đồng thời thể thao hóa các bài quyền để nó có thể phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Thế nhưng, điều này đã vấp phải những trở ngại rất lớn, mà nguyên nhân chính là do những bậc tôn sư của làng võ Việt hầu như chẳng ai chịu ai.
Với họ, chỉ có môn phái mình là số 1 còn những môn khác là… kém cỏi, và mạnh ai người nấy lập bang phái, cũng như tự biến tấu ra những bài quyền, thế võ bí truyền như kiểu võ lâm truyền kỳ. Võ cổ truyền cứ thế phát triển đầy tự phát và manh mún. Quá trình ấy kéo dài cho đến nay mà vẫn chưa có cách gì khắc phục.
Nguyên nhân của vấn đề rất đơn giản, vì những người đứng đầu các môn võ cổ truyền hầu như chưa chịu hạ bớt cái tôi để cùng nhìn về một hướng là phát triển võ Việt. Tuy nhiên, tìm đâu một minh chủ để có thể phất cờ thống nhất quần hùng nhằm phát dương quang đại võ Việt? Câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có lời đáp.
Từ chuyện các môn võ cổ truyền, nhìn sang các đội bóng Việt Nam, người ta chợt giật mình khi nó cũng có rất nhiều nét tương đồng. Lâu nay các ông bầu bóng đá ở ta vẫn làm bóng đá và điều hành CLB theo kiểu ngẫu hứng, mỗi người một phách và gần như chẳng ai chịu ai. Thế nên, khi các ông bầu chấp nhận ngồi lại với nhau vào cuối mùa giải 2011, để rồi tiến tới thành lập một công ty cổ phần để thúc đẩy nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, người hâm mộ rất vui và cũng như hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi công ty VPF chuẩn bị ra đời, người ta đã thấy một thực tế rằng có khá nhiều cổ đông ban đầu rất hăm hở với “chiến dịch đổi mới”, nhưng sau đó có vẻ hơi chựng lại bởi chưa tìm được tiếng nói chung ở nhiều mặt, nhất là khi quyền lợi của đội bóng mà họ nắm giữ bị ảnh hưởng. Chuyện ấy, âu cũng là bình thường trong đời sống hằng ngày, chứ chẳng riêng gì bóng đá.
Tuy nhiên, đã không làm thì thôi, còn khi đã làm thì phải theo đuổi đến cùng lý tưởng. Điều cần nhất là các đội bóng cùng nhìn về một hướng để xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn như mong ước của tất cả những người yêu mến và có tâm huyết với bóng đá Việt.
Nói thì phải đi đôi với làm!
Bongdaplus.vn