Sức mạnh của đội bóng hay sự xìu xìu ển ển của cầu thủ phụ thuộc rất lớn vào túi tiền to hay nhỏ. Mùa bóng trước, khi nhiều đội còn tiền rồi mạnh tay treo thưởng lớn, cầu thủ sung sức đá như lên đồng.
Than Quảng Ninh có lúc trở thành hiện tượng, hay Hải Phòng, An Giang không cam chịu thân phận tân binh và sẵn sàng đá sòng phẳng với các đội bóng lớn. Thế nhưng sau khi cảm giác bất ổn từ nguồn chi, họ xuống dốc không phanh và gây ra những cuộc lãn công, chỉ may là chưa đến nỗi bỏ giải.
Mùa này, Than Quảng Ninh có nhà tài trợ mới đã vội khoe có 70 tỉ đồng, gấp đôi định mức của VPF cho một mùa giải; NQK Quảng Nam hay tân binh Cần Thơ dự chi không dưới 50 tỉ đồng cho mục tiêu trụ hạng. Dĩ nhiên các đại gia kiểu B. Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng… nuôi tham vọng lớn hơn sẽ bội chi hơn.
Mùa giải mới bóng đá Việt Nam có “sữa ngoại” nhưng cũng đòi hỏi phải chuyên nghiệp hơn và có trách nhiệm hơn. Ảnh: XUÂN HUY
Động cơ của các đội là khác nhau nhưng có một điểm chung là tiêu tiền như nước cho nhiều mục đích mà không hẳn để phục vụ nhu cầu làm bóng đá bài bản.
Điều đáng nói là sau khi những núi tiền vơi dần và cạn đi sau một mùa giải, các CLB sẽ còn lại gì?
Nhiều hợp đồng mua bán cầu thủ hàng tỉ đồng liệu có đáng giá hay chỉ là trò mèo hợp thức hóa phần “hoa hồng” và “lại quả”?
Mới có mỗi HA Gia Lai dám nghĩ thu lãi từ bóng đá sau nhiều năm đổ tiền gieo mầm học viện cùng nhiều lứa trẻ giỏi và xây dựng lại nền tảng CLB chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.
Mới đây, VPF sau khi bị Eximbank chia tay đã may mắn có một tập đoàn lớn nước ngoài hỗ trợ con số làm giải hơn gấp ba lần, đến cả 100 tỉ đồng. Và chắc chắn là khi có “sữa ngoài” thì phận “lệ thuộc” sẽ phải chặt chẽ hơn chứ không được làm “qua loa” và cầu thủ thì lười chạy như lời ông HLV trưởng người Nhật nói.
Và quan trọng nhất là các CLB sống bền vững nhờ chất lượng của mình mà không phải lo sống nay chết mai. Nó cũng giống với việc mọi người phải ý thức hơn với chính mình tránh để bị chỉ điểm như ông HLV Miura chỉ về phong cách làm việc ở VFF hay về những thói quen không chuyên nghiệp.
Tiền cho bóng đá chuyên nghiệp để phát triển chuyên nghiệp chứ không phải có chuyên nghiệp rồi để tìm cách hợp thức hóa chuyện kiếm tiền từ cái mác chuyên nghiệp.