Những ngày qua, giới hâm mộ yêu bóng đá đang dậy sóng vì những phát biểu của HLV Miura trên truyền hình Nhật về bóng đá Việt Nam. Tuy không nói ra, nhưng hầu hết người Nhật đến Việt Nam làm bóng đá tuy đều có cái nhìn tương tự Miura.
Từ những lời nhận xét của HLV Kitaguchi
HLV đào tạo trẻ Kitaguchi của học viện Amitie (Nhật) hiện nay đang làm công tác giáo dục bóng đá cho trẻ ở TP.HCM. Lứa tuổi mà Kitaguchi dạy là lứa “đi nhà trẻ” đến học sinh tiểu học. Khoan nói về vai trò của Kitaguhi về việc này, nhưng những điều anh nhận xét về mối quan hệ trong CLB bóng đá chuyên nghiệp với cộng đồng dân cư của Kitaguchi đáng để học hỏi và học từ những điều như thế.
HLV Kitaguchi đang dạy trẻ nhỏ chơi bóng ở TP.HCM. Ảnh: TP
Kitaguchi nhận xét: “Ở Nhật các cầu thủ chuyên nghiệp hầu hết các buổi sáng là đi làm công tác xã hội như một phần không thể thiếu trong hợp đồng lao động của mình. Phải thực thi chức năng phát triển cộng đồng và gắn kết cộng đồng nơi đội bóng đóng quân”.
Đó là gì? Buổi sáng tất cả những cầu thủ phải chia nhau đến các trường học, các tổ chức giáo dục xã hội để dạy cho các em học sinh chơi bóng đá, nói chuyện về nghề nghiệp, dạy giáo dục thể chất cho các em thông qua bóng đá. Từ bước chập chững làm quen với trái bóng, đó là dạy cho trẻ biết lấy thể thao làm tinh thần cao thượng, “tôn sư trọng đạo”. Biết tôn trọng thầy, tôn trọng phụ huynh, tôn trọng những người bạn cùng chơi bóng trên sân với mình.
Cầu thủ của CLB phải biết thực thi chức năng gắn kết CLB của mình với cộng đồng dân cư nơi đội bóng đóng trụ sở. Chính việc gắn kết của cầu thủ, CLB với cộng đồng địa phương nên một khi đội thi đấu trên sân nhà thì lập tức cộng đồng đến sân để cổ vũ nhiệt tình và nó như một phần máu thịt của CLB. Bên cạnh đó CLB thi đấu luôn vì màu cờ sắc áo để cộng đồng gắn kết…máu xương và luôn chia sẻ mỗi khi đội thất bại.
Còn với cầu thủ chuyên nghiệp của Việt Nam thì ai cũng biết, cầu thủ hầu như không đi làm công tác xã hội cho cộng đồng. Một khi bóng đá quá ngăn cách với cộng đồng nơi đội bóng đóng quân thì cộng đồng cũng chẳng cần gì bóng đá, đó là quy luật.
HLV Kitaguchi nhận xét rằng, hầu hết các các cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam ăn lương cao nhưng quá rãnh rổi. Hầu như sáng nào họ cũng chỉ ở không, buổi chiều ra tập vài giờ đồng hồ…như thế là quá phí phạm quỹ thời gian và quá phí phạm quỹ lương của CLB và chưa thực thi hết chức năng của bóng đá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khán giả Việt Nam quay lưng với bóng đá.
Và HLV Miura đã nói ra những thực trạng
HLV Miura cho rằng, các trận V- League được tổ chức rất qua loa, cầu thủ trên sân thì không chịu chạy, quan chức của Liên đoàn thì làm việc theo kiểu “sáng xách ô đi, chiều xách ô về”.
Thật vậy, không chỉ giải đấu V- League đang ngày một xuống cấp mà công tác tổ chức, các sân bóng còn rất hời hợt. Mặt sân xấu, cầu thủ trên sân thì không thể hiện mình là tấm gương của người công chúng, nạn bạo lực trong bóng đá, cầu thủ thể hiện nhiều thái độ không chuẩn mực trên sân. Bóng đá Việt Nam muốn vươn lên tầm châu lục, nhưng cầu thủ trên sân thì không chịu chạy. Thật vậy, cầu thủ Việt Nam lâu nay vốn yếu kém về thể lực nhưng chẳng bao giờ được nâng tầm thì thật khó vươn lên tầm cao châu lục.
Bóng đá là trò giải trí mang tính cộng đồng rất cao và không hão danh khi đó là môn thể thao vua. Bóng đá không chỉ mang lại những lợi nhuận vật chất hữu hình mà còn vô hình nữa, đó là tính giáo dục thể chất và trí tuệ cho con người. Nhưng những thứ trên thì bóng đá Việt Nam hầu như chưa làm được.
Nếu bóng đá Việt Nam cứ hô hào học hỏi bóng đá Nhật, nhưng từ những điều nhỏ nhoi nhất mà vẫn không học được thì thật khó để có thể đuổi kịp bóng đá Nhật.