Bấy giờ, người ta quy cho Minh Đức sai phạm khi ký kết với cả 2 CLB.
Thế nhưng, điều rất lạ trong trường hợp của Minh Đức là cả hai CLB đều có những động thái nhượng bộ để giúp Minh Đức có thể ra sân thi đấu. Trong chuyện này, nhiều người nói rằng phía CLB, đặc biệt là Thể Công đã chơi đẹp. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng chính lối sống, đạo đức, cách hành xử nghiêm túc của Minh Đức trước đó chinh phục được cảm tình của những nhà lãnh đạo CLB nên họ không nỡ gây khó để khiến anh phải chịu án phạt.
Nội tình thực sự của vụ Minh Đức vẫn chưa được giải mã hoàn toàn. Nhưng cũng từ đấy, Minh Đức đã có người đại diện. Đó là ai? Dù không nói ra nhưng hẳn người ta có thể hiểu việc Minh Đức về với Sài Gòn Xuân Thành ở mùa giải 2010 thông qua bàn tay của ai. Nên nhớ, nhà môi giới cầu thủ quen thuộc Trần Tiến Đại cũng chính là GĐĐH của Sài Gòn Xuân Thành - đội bóng vừa đổi tên thành Sài Gòn FC.
Mới đây lại nghe một câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu với một chữ “Nếu” dành cho Minh Đức. Đó là nếu bây giờ Minh Đức muốn dứt áo ra đi khỏi Sài Gòn FC thì sẽ phải đền bù một số tiền ngất ngưởng lên đến cỡ 8 tỷ đồng. Số tiền đó chắc chắn anh sẽ không thể cáng đáng nổi.
Về mặt tâm lý, NHM dễ chia sẻ với những cầu thủ thần tượng mà hiếm ai có sự cảm thông với một nhà môi giới cầu thủ. Thế nên, đưa ra một chữ “Nếu”, người ta đã sớm có kết luận cho riêng mình.
Ai cũng biết thời gian qua giá cầu thủ Việt Nam tăng rất nhanh và nếu CLB không có những ràng buộc thì sẽ không thể quản lý tình trạng này. Chẳng lẽ đến lúc xảy ra tranh chấp, người ta lại phải trông chờ vào chữ “Tình” kiểu Thể Công đã làm hay sao?
Ở đây rất khó trả lời câu hỏi “ai đưa ai vào tròng?” bởi tất cả nên dựa vào luật mà cụ thể là những bản hợp đồng. Cầu thủ cần người đại diện cho mình, nhưng cũng không thể phó mặc toàn bộ cho người đại diện. Họ cũng cần có kiến thức, sự am hiểu nhất định về bản hợp đồng mình ký để quyết định tương lai cho bản thân.
Bongdaplus.vn