Thủ môn Trần Khoa Điển: Chiến đấu với bi kịch
Nếu phải nhắc đến một ký ức đáng quên của Khoa Điển, thì đó phải là trận chung kết SEA Games 25. Sẽ không có gì bàn cãi về vị trí số 1 của Tấn Trường trong khung gỗ. Tuy nhiên, ở thời điểm thủ thành này chấn thương bả vai, HLV Calisto đã định đưa Khoa Điển vào thay nhưng sau đó lại thôi. Khoa Điển hôm ấy đã cầm sẵn trên tay tấm giấy vào sân nhưng chẳng thể sử dụng nó. Hình ảnh ấy cũng như tương tự nỗi đau “cầm vàng lại để vàng rơi” của thầy trò U23 VN trước Malaysia.
Đêm ấy, Điển có một nỗi buồn khó tả. Buồn vì đội nhà đã thua và buồn vì thầy Calisto đã không cho anh một cơ hội, dù thủ thành này bảo rằng: “Trường chấn thương, đó là cơ hội mà tôi cần phải chớp lấy”.
Nỗi buồn ấy đeo bám dai dẳng, khiến anh gần như anh biến mất sau SEA Games 25. Suốt một thời gian dài, Điển thậm chí không còn xuất hiện tại đại bản doanh của CLB TP.HCM. Những ấn tượng về anh chàng thủ môn lao động cật lực, và đấu tranh từ số 3 để giành lấy số 1 đã gửi vào dĩ vãng.
Cầu thủ gốc TP.HCM duy nhất có mặt ở U23 VN, người từng được coi như của độc của bóng đá Sài thành bỗng nhiên sụp đổ. Cái hình tượng đẹp đẽ ấy được thay bằng bộ mặt của một gã đàn ông già cỗi và tự xây cho mình một “ốc đảo” trong phòng thay đồ. Để rồi, ngay cả GĐĐH của CLB TP.HCM, ông Nguyễn Chí Kiên cũng phải thốt lên rằng: “Bó tay với Khoa Điển rồi!”.
TRỞ LẠI VÀ BI KỊCH?
Hôm qua, gọi điện hỏi thăm Khoa Điển, chỉ thấy anh than vắn thở dài. CLB TP.HCM đã chính thức giải tán sau ngày xuống hạng Nhì. Cầm tờ giấy thanh lí hợp đồng trên tay, Điển gần như hai bàn tay trắng trở nhà với vợ con bởi 4 tháng rồi anh không được nhận lương từ đội bóng.
Quả thật, chẳng ai nghĩ, một ngày nào đó, đứa con của bóng đá Sài Gòn lại ra nông nỗi. Và chẳng ai nghĩ, một anh chàng thủ môn từng khoác áo U23 VN bây giờ lại ở nhà “trông trẻ con”; hay lang bạt đâu đó xỏ găng chuyên nghiệp nhưng chỉ chụp vài trận bóng phủi, ra mồ hôi cho vơi cơn… thèm bóng đá.
“Có thể tôi sẽ thử việc tại Bình Dương. Nếu được thì bắt, còn không thì tìm đội khác. Bây giờ, đã hết thời “việc tìm người”, nếu có thất nghiệp thì cũng phải gắng chứ sao bây giờ”. Khoa Điển thở dài khiến người đối diện cũng thấy ngao ngán.
Dẫu thế, nghe Điển nói, dường như anh vẫn kỳ vọng nhiều lắm về một ngày mai được chơi bóng đỉnh cao; bởi bóng đá không chỉ là đam mê, mà còn là chiếc “cần câu cơm” cho gia đình nhỏ của anh.
Người ta vẫn thường nói, chữ Tài thường gắn liền với chữ… tai. Cũng mong rằng, quãng thời gian qua chỉ là những tai nạn nhỏ trong nghề nghiệp của Điển. Và đó sẽ là một bài học, để Điển làm lại và tìm được một bến đậu cho cái tình yêu mà anh từng nói rằng: “Nhất vợ con, nhưng đặc biệt mới là bóng đá”.