Bài học về việc “thay ngựa giữa dòng” vẫn còn nguyên giá trị. V.HP không tin tưởng ông Nguyễn Đình Hưng, họ thay bằng HLV Thụy Hải. Trớ trêu ở chỗ, người Hải Phòng không hoàn toàn tin tưởng ở ông Hưng khi bước vào mùa giải 2012. Không tin nhưng vẫn phải dùng, đó thật sự là bi kịch của những nhà quản lý. Họ không tìm ra phương án thích hợp, hay nói đúng hơn là không kiếm được một HLV phù hợp với tham vọng của mình. Những tưởng ông Hải là nhân vật “cầu được ước thấy” nhưng con tàu vẫn đang chìm, thậm chí còn chìm với tốc độ nhanh hơn. Lại một cơn đau mới đang thành hình, nhưng đến lúc này lãnh đạo CLB không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng vào ông Hải.
Bây giờ, người ta chỉ có thể tự an ủi rằng, một số trận đấu dưới tay HLV Thụy Hải, V.HP chơi có nét hơn. Nội bộ V.HP đến thời điểm hiện tại chưa thực sự ổn, nhưng tất cả đều sợ, nếu “trảm” ông Hải, thì ai sẽ ngồi vào ghế nóng? Có thể, thất bại với quân bài mang tên Lê Thụy Hải khiến lãnh đạo đội bóng không dám tin vào những nhân vật mới.
Tiền lệ ở V-League chỉ ra rằng: đội bóng nào thay tướng nhiều thì kết quả sẽ rất tệ hại. Becamex Bình Dương cảm thấy không hợp tác được với HLV Thụy Hải nên chia tay ngay từ đầu mùa. Bây giờ họ đặt niềm tin vào HLV Đặng Trần Chỉnh. Dù rằng giữa ông Chỉnh và đội bóng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng lãnh đạo CLB vẫn ủng hộ. 3 năm thất bát vừa qua khiến họ thấm thía hơn ai hết việc thay đổi HLV tác dụng ngược đến đội bóng như thế nào.
Bây giờ, B.BD đang cố dồn mọi nguồn lực cho ông Chỉnh và hy vọng “làm lại ở mùa sau”. Chỉ có điều, không biết, với tâm lý “đóng thế”, liệu ông Chỉnh có đủ sự tự tin để hoàn thành tham vọng của lãnh đạo đội bóng. Đặc biệt là các ngôi sao tại B.BD, họ sẽ tôn trọng tuyệt đối giải pháp tình thế mang tên Đặng Trần Chỉnh? Thật khó!
Kết thúc giai đoạn 1 mùa này, chỉ 2 đội bóng thay HLV. Trong đó việc thay HLV Lư Đình Tuấn được coi là sự mạo hiểm quá lớn của Sài Gòn FC. Họ mơ vô địch, nhưng lại đánh đổi sự ổn định dưới thời một HLV có hơn 1 năm gắn bó để trông chờ vào một HLV mới mà đến bây giờ vẫn chưa biết là ai. Và cũng chính vì sự mạo hiểm đến mức khó hiểu đó mà nhiều HLV tên tuổi, trong đó có ông Calisto không muốn đánh cược tương lai của mình cho đội bóng bất ổn như SG.FC.
BĐVN quá khan hiếm HLV? Thực tế thì chúng ta không thiếu. Chỉ nội Quỹ tài năng trẻ (PVF) mà HLV Trần Minh Chiến đang phụ trách đã có đến 13 HLV là cựu danh thủ như Hữu Đang, Công Long, Mạnh Cường, Nguyên Chương… Thế nhưng, với những khoản đầu tư lớn vào bóng đá, không nhiều ông bầu dám giao trọng trách cho những người ít kinh nghiệm chinh chiến.
Lãnh đạo các đội có thể không hoàn toàn hài lòng với HLV Thụy Hải, Thành Vinh, Trần Chỉnh… nhưng họ cũng chẳng thể nào tìm ra được một nhân vật có tên tuổi và kinh nghiệm hơn. Đã và đang có sự phân hoá rõ rệt về cách đánh giá cấp độ giữa các HLV, giữa những người từng có thời gian cầm quân ở V-League, cầm đội bóng mạnh hoặc có thành tích vô địch và những người chỉ cầm đội bóng trẻ, hạng Nhất.
V-League rất khắc nghiệt và càng như thế thì càng đòi hỏi những nhà cầm quân phải có khả năng vượt trội, từ cách xử lý chuyên môn đến cố kết nhân tâm. Từ Vicem Hải Phòng cho đến Sài Gòn FC, tất cả đều cho thấy cơn khủng hoảng ấy đang đẩy họ vào vòng bi kịch như thế nào.
Bongdaplus.vn