Nhắc đến bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, người ta đã nói rất nhiều về bầu Đức, về những HLV hay cầu thủ người Thái Lan. Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau những thành công và thăng trầm của đội bóng phố Núi cũng có sự đóng góp của một nhân vật được coi là “cánh tay phải” của bầu Đức. Đó chính là Trưởng đoàn bóng đá HA.GL Nguyễn Tấn Anh.
TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC CHỨC VÔ ĐỊCH
PV: Chúng ta hãy bắt đầu với thứ hạng của HA.GL hiện tại, vị trí thứ 2 trên BXH sau 13 vòng đấu hẳn là một món quà bất ngờ đối với ông?
Ông Nguyễn Tấn Anh: Trong thể thao, đầu tư nhiều chưa hẳn đã mang lại hiệu quả. Cứ nhìn sang Man City của giải Ngoại hạng Anh mà xem, họ đã bỏ ra biết bao nhiêu tiền nhưng vẫn chưa có chức vô địch. Rõ ràng, để thành công trong bóng đá cần rất nhiều yếu tố từ thượng tầng đến… hạ tầng, chứ không phải một cá nhân, ông bầu, HLV hay bất kỳ một ngôi sao nào đó của đội bóng. Chúng tôi bằng lòng với vị trí đang có, vì đó là công sức và nỗ lực của cả một tập thể.
- Người ta nói HLV Choi Yoon-Gyum cũng là một mắt xích yếu trong hệ thống của HA.GL, ông nghĩ thế nào về điều này?
- Chúng tôi không có thói quen đổ tội cho ai đó, HLV Choi đến đây không phải đi du lịch. Ông ấy thực sự tâm huyết với đội bóng. Có chăng ngày mới đến ông ấy chưa hiểu con người và BĐVN nên chưa bắt nhịp kịp. Ví như, ông Choi từng xây dựng cho HA.GL lối đá tấn công theo sơ đồ 4-3-3, nhưng chất lượng con người của HA.GL không đủ để phục vụ cho lối đá đó. Vậy nên, ông ấy buộc phải chuyển sang sơ đồ 3-5-2 nhằm phù hợp với con người, tình hình hiện tại.
- Và thêm một nguyên nhân nữa, có vẻ HA.GL vẫn còn chịu ảnh hưởng sau những tháng ngày ngự trị của các HLV và cầu thủ người Thái Lan?
- Các cầu thủ Thái Lan có một vị trí quan trọng trong lịch sử bóng đá HA.GL. Đặc biệt là Kiatisak. Ngoài ra còn có HLV Songamsuk, các cầu thủ như Tawan, Dusit… cùng các cầu thủ giỏi Việt Nam, họ đã tạo nên một Dream Team xuất sắc của những năm 2003 và 2004. Những năm qua, HA.GL có thành tích không tốt vì nhiều lý do. Đội bóng nào cũng có chu kỳ, để có sự thành công cần một quá trình dài để xây dựng chứ không phải một vài ngày, hay một vài năm. Chúng tôi coi đó là những nốt trầm, cũng như chuyện, V.HP giàu truyền thống, oanh liệt là thế, vậy mà có ai ngờ họ lại đang đối diện với vô vàn khó khăn.
TÌNH YÊU CỦA BẦU ĐỨC & CHUYỆN NHỮNG NGÔI SAO
- Có vẻ bầu Đức không còn máu mê theo đội bóng nữa, đó có phải là một nguyên nhân đi xuống của HA.GL?
- Đúng là anh Đức (Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - PV) không còn xuất hiện cùng đội bóng nhiều như trước, vì anh ấy bận rất nhiều. Nhưng tình yêu, sự đam mê bóng đá của anh ấy thì không bao giờ cạn. Tôi dám chắc rằng, hiếm có một con người nào tâm huyết với bóng đá như anh Đức.
- Thêm một điều mà người ra nói đến rất nhiều, đó là việc đầu tư vào bóng đá của HA.GL đã hạn chế hơn so với trước?
- Tôi không cho là vậy, rõ ràng mức độ đầu tư có khác nhau, nhưng HA.GL rất thực tế, chúng tôi biết nhìn vào thị trường, biết bỏ tiền ra như thế nào để phù hợp với thực tế, với những gì chúng tôi đang có. Như tôi đã nói, không thể mua thành công bằng nhiều tiền, hay bằng ngôi sao nào đó mà cần một tập thể đoàn kết nắm lấy tay nhau.
- Thực tế, HA.GL đã mua rất nhiều ngôi sao, nhưng ngoài Kiatisak thì những ngôi sao sau này không mang lại sự thành công, Lee Nguyễn là một ví dụ điển hình…
- Quan điểm của HA.GL, của bầu Đức rất rõ ràng, bóng đá là một công cụ để tạo thương hiệu. Tôi lấy ví dụ thôi nhé, bây giờ qua Thái Lan thì chẳng ai không biết đến HA.GL. Họ biết qua đâu? Qua những ngôi sao bóng đá như Kiatisak, Tawan, Dusit, Thonglao. Ở Anh, đã rất nhiều người biết đến thương hiệu HAGL nhờ Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, quảng cáo trên sân Emirates. Tương tự ở Mỹ cũng thế, Lee Nguyễn đến Việt Nam đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho HA.GL.
TẤN ANH & NHỮNG VỤ CHUYỂN NHƯỢNG “BOM TẤN”
- Đã nói đến bóng đá HA.GL, đến các ngôi sao, bây giờ chúng ta hãy nói về ông một chút. Được biết ông từng là một phóng viên thể thao, không biết cơ duyên nào đưa ông về dưới trướng của bầu Đức?
- Tôi biết anh Đức thông qua anh Tuấn, nguyên GĐ sở Thể dục Thể thao Gia Lai (Ông Phạm Văn Tuấn, nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - PV). Trong những lần đầu tác nghiệp, tôi có dịp làm quen và rất quý mến anh Đức. Năm 2007, khi không làm báo nữa tôi về đầu quân cho HA.GL.
- Người ta nói rằng, những phi vụ bom tấn của HA.GL là do bầu Đức đạo diễn, nhưng nếu không có “cánh tay phải” Tấn Anh thì khó thành công?
- Nên nhớ rằng, tôi là trợ lý của anh Đức. Tôi là một người trong ngành bóng đá, còn anh Đức là người kinh doanh, tham gia bóng đá không nhiều. Với cương vị là một trợ lý, tôi có trách nhiệm với công việc của mình, chẳng hạn như lên phương án, tư vấn để tiếp cận ai, lấy cầu thủ nào tốt nhất cho đội bóng. Đơn giản thế thôi.
- Câu hỏi cuối, điều gì khiến ông phục và thần tượng nhất ở bầu Đức?
- Tôi không biết nói thế nào. Anh Đức luôn tôn trọng anh em, anh ấy luôn xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để động viên anh em. Như cá nhân tôi, có những lúc mất phương hướng, nhưng có anh Đức động viên, hướng dẫn nên tự tin lên nhiều. Anh Đức là một người có tư duy nhạy bén, một nhà chiến lược tài ba, chẳng hạn như việc xây dựng Học viên bóng đá HAGL - Arsenal JMG. Anh ấy là một người làm việc không ngừng nghỉ và biết quý trọng người tài…
- Xin cảm ơn và chúc HA.GL cũng như cá nhân ông thành công!
Tại sao Lee Nguyễn lại thất bại? “Lee là một cầu thủ đẳng cấp, nhưng anh ấy về Việt Nam khi tuổi đời còn trẻ (22 tuổi). Cuộc sống ở Việt Nam không giống ở Mỹ, tập luyện xong về nhà, sống kiểu Mỹ, đi chơi bạn bè, tự do. ở Việt Nam, kỷ luật khác biệt, Lee được coi như ngôi sao, nên chịu áp lực rất lớn. Sau khi rời Việt Nam, Lee nói với tôi rằng, anh cảm thấy không phù hợp với BĐVN. Anh ấy rất sợ chấn thương”. |
Bongdaplus.vn