Hơn một năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Miura đã nhiều lần làm VFF nở mày nở mặt khi đội tuyển nào cũng có dấu ấn nhất định ở nhiều giải đấu.
Hồi năm ngoái, trong bối cảnh giới hâm mộ sa sút niềm tin vào bóng đá Việt Nam thì ông thầy người Nhật lặng lẽ đưa đội tuyển Olympic vào đến vòng 16 đội mạnh nhất Asiad. Nhiều giới tỏ ra bất ngờ với chiến tích ấy bởi rất ít người nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn, ông Miura lại có thể giúp các học trò chơi lột xác và đặc biệt ấn tượng với cái nền thể lực sung mãn.
Tiếp đó, ông Miura nhào nặn một đội tuyển quốc gia theo cách của mình và đưa họ đến bán kết AFF Cup 2014 sau trận thua ngược đau đớn Malaysia trên sân nhà. Thời điểm này, VFF cũng không lo nghĩ nhiều vì không cảm thấy áp lực lớn bởi những gì ông Miura làm không đi chệch hướng và chính ông đã đứng ra nhận mọi trách nhiệm về thất bại đáng tiếc ấy.
HLV Miura từ ngày chính thức dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đã làm thay đổi được nhiều thứ, từ nếp nghĩ đến thói quen của cầu thủ Việt Nam và cả quan chức bóng đá Việt Nam
Chỉ có điều VFF thay vì ngồi lại rút kinh nghiệm với ông Miura một cách sòng phẳng thì lại đánh lạc hướng dư luận theo mối nghi ngờ cầu thủ thua do cái đầu có mầm mống tiêu cực chứ không phải thua vì chuyên môn.
Gần nhất, ông Miura giúp đội tuyển U-23 Việt Nam đoạt vé vào vòng chung kết U-23 châu Á với tư cách là một trong năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Cái hay nhất của ông Miura là biết mình, biết người với cách tiếp cận từng trận đấu khác nhau để đạt cái đích cuối cùng. Và thành công nhất của ông là ở trận thắng quyết định chủ nhà U-23 Malaysia 2-1 vì hai trận tiếp theo thua U-23 Nhật 0-2 rồi thắng đậm U-23 Macau 7-0 đã nằm trong toan tính.
HLV Miura phải có tài năng thực sự mới biết cách tính toán rất rõ ràng về mục tiêu gì hướng tới và cần gì để đạt mục tiêu ấy. Dĩ nhiên, ông và các cộng sự đã làm việc cật lực nhằm nâng cấp một đội tuyển, dễ thấy nhất là cách nhồi thể lực chỉ trong một thời gian ngắn.
Thế nhưng đằng sau những dấu ấn của ông Miura đối với từng đội tuyển trong các giải đấu mùa vụ ngắn hạn thì bóng đá Việt Nam đang có gì và thiếu cái gì?
Chẳng hạn, ở bất kỳ lần hội quân nào, ông Miura cũng phải ra tay nhồi nhét các bài tập thể lực thật nặng bất chấp chấn thương và trên sân tập luôn dạy lại các bài học vỡ lòng về kỹ, chiến thuật. Đích thân ông còn làm cả những việc không tên ngoài sân bóng nhằm giúp cầu thủ có ý thức, tác phong chuyên nghiệp hơn, kể cả việc tự rèn thể lực làm gương cho các trợ lý.
Không chỉ dưới thời Miura mà bất cứ đời thầy ngoại tiền nhiệm, ai cũng thấy chuyên gia nước ngoài luôn mang đến nhiều bài học bổ ích nhưng rốt cuộc bóng đá Việt Nam học được gì?
Cho nên không lạ khi mỗi lần các đội tuyển tập trung, thầy ngoại lại bắt tay vào hướng dẫn và chỉnh sửa từ A đến Z, điều mà phần lớn cầu thủ chưa nhận thức đầy đủ hoặc không ai dạy cho họ ngay từ nền tảng CLB.
Ông Miura đã cho rất nhiều bài học và phần còn lại bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục học ra sao chứ không phải đến lại nhét đội tuyển vào tay thầy Nhật xong mỗi mùa vụ thì ai về nhà nấy.
VFF và HLV Miura ưu tiên SEA Games hơn vòng loại World Cup Vào tháng 5, hai đội tuyển quốc gia và U-23 đều tập trung chuẩn bị cho sân chơi vòng loại cúp thế giới và SEA Games. Vì thời gian thi đấu vào đầu tháng 6 có trận trùng nhau nên ông Miura đã thống nhất với VFF sẽ huấn luyện đội U-23 cho mục tiêu vào chung kết SEA Games, còn đội tuyển quốc gia do một ê-kíp HLV nội đảm trách. Tuy nhiên, trong khi chưa vào giải, ông Miura vẫn phải giám sát cả hai đội tuyển và tập luyện theo một giáo án chung. Sau khi đội tuyển U-23 Việt Nam đá xong SEA Games, ông Miura lại quay sang tuyển quốc gia dẫn dắt trận thứ hai ở vòng loại World Cup 2018. |