SÓNG NGẦM ĐÃ NỔI
Lâu nay, việc các địa phương ngại đưa VĐV có tố chất (hay nói thẳng là ngôi sao) của mình lên đội tuyển vì sợ làm thui chột thành tích của VĐV (!?) là có thật. Bơi lội càng không ngoại lệ. Thế mới có chuyện chuẩn bị cho SEA Games 26, đội tuyển bơi Việt Nam chia ra 3 tổ tập huấn ở 3 địa điểm tại Trung Quốc. Cũng bởi không tin tưởng nhau, nên đội tuyển bơi khi tham dự SEA Games hồi năm ngoái đã có sự chia rẽ “quân anh, quân tôi” rất nghiêm trọng, thậm chí tay bơi Quý Phước suýt không được đăng ký thi đấu ở nội dung 100m tự do cũng vì chuyện quân ai người nấy lo kể trên, và báo Bóng Đá từng nêu vấn đề này ngay thời điểm ấy.
Cũng vì không tin tưởng nơi đội tuyển nên ngành thể thao Đà Nẵng – đơn vị chủ quản của Quý Phước- đã kiên quyết không cho VĐV của họ đi tập huấn tại Mỹ dưới sự quản lý của HLV trưởng Đặng Anh Tuấn của đội tuyển, mà đề nghị phải có HLV của họ là Nguyễn Tấn Quảng theo kèm cặp. Vì vậy trong chuyến tập huấn tại Mỹ, 2 HLV Anh Tuấn và Tấn Quảng thực tế chẳng hề có mẫu thuẫn, nhưng chính sự can thiệp của đơn vị chủ quản đã đào sâu ngăn cách và chia đội tuyển bơi sang tập huấn tại Mỹ thành 2 nhóm, dù chỉ có 2 HLV và 4 VĐV. Theo đó, HLV Anh Tuấn phụ trách nhóm 3 tay bơi chưa đạt chuẩn B là Ánh Viên, Kim Tuyến và Thành Nguyện, trong lúc HLV Tấn Quảng cùng Quý Phước thành một nhóm riêng, đồng thời 2 nhóm ở 2 căn hộ riêng biệt.
Có lẽ, sự “chăm sóc” hơi thái quá của đơn vị chủ quản lẫn dư luận đã biến Hoàng Quý Phước bỗng trở nên “dị biệt” trong mắt các đồng đội ở chuyến tập huấn tại Mỹ. Chính điều ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ lẫn việc tập luyện của Quý Phước.
Tại giải Grand Prix Indianapolis, tay bơi Nguyễn Thị Ánh Viên đạt chuẩn B nội dung 200m ngửa nữ và 2 VĐV Kim Tuyến, Thành Nguyện đều tham gia tranh tài, chỉ riêng Quý Phước là không. Điều này càng khiến dư luận dấy lên nghi ngờ về sự bất hòa trong đội tuyển và cho rằng HLV Đặng Anh Tuấn quên hoặc cố tình không đăng ký cho tay bơi Hoàng Quý Phước. Thực tế có phải như thế?
Theo những thông tin mà chúng tôi xác minh, việc đăng ký thi đấu tại giải đã được chuyên gia Sergio thông báo cho 2 HLV từ khoảng giữa tháng 1-2012, và yêu cầu cung cấp thông tin cự ly thi đấu, cũng như thành tích và phải gửi qua thư điện tử cho chuyên gia. Thế nhưng chỉ có HLV Anh Tuấn làm việc này khi đăng ký cho 3 tuyển thủ do ông quản lý, còn HLV Tấn Quảng thì không. Sau hỏi ra mới biết, do không giỏi ngoại ngữ nên lúc chuyên gia trao đổi, HLV Tấn Quảng không hiểu nên không thực hiện.
Vì vậy chuyên gia không có thông tin để đăng ký thi đấu cho Quý Phước. Sau đó, chuyên gia Sergio cho biết, đã có một Việt kiều thân với đội bơi gọi điện cho ông để đăng ký thi đấu cho Phước, nhưng đã trễ hạn. Đồng thời chính việc nhờ người ngoài can thiệp vào chuyện của nội bộ đội tuyển khiến vị chuyên gia này rất bực tức, và ông đã nói thẳng chuyện này với HLV trưởng Đặng Anh Tuấn. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự thiếu thông cảm của BHL Mỹ và BHL Việt Nam trong thời gian qua.
Sau SEA Games 26, khi ngành thể thao Đà Nẵng và Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam lên tiếng về việc sẽ đưa Quý Phước sang Mỹ tập huấn, chúng tôi đã cảnh báo về vấn đề này, bởi thấy trước những luật lệ và qui định nghiêm ngặt của thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ rất khó để phù hợp với nền thể thao còn nặng tính nghiệp dư như ở ta. Vì thế việc tập huấn ở Mỹ chưa chắc đã tốt cho các tuyển thủ Việt Nam, nếu không có sự điều tra, nghiên cứu kỹ địa điểm và sự hòa nhập nhanh của các thành viên.
Kết quả giờ đây sau 3 tháng tập huấn ở Mỹ, thầy trò HLV Tấn Quảng – Quý Phước đã xin về nước để chuyển sang tập huấn ở Trung Quốc cho phù hợp. Một kinh nghiệm xương máu cho thể thao Việt Nam!
bongdaplus.vn