
Chuyện bán hàng ở V.League
Có lần Chủ tịch Phạm Thanh Hùng của Than Quảng Ninh kể về một sự kiện khiến bản thân những người làm bóng đá đất Mỏ một phen toát mồ hôi hột. Số là trong một trận đấu ở đầu mùa giải 2014, một lãnh đạo thành phố Cẩm Phả đến dự khán trận đấu đã không thể vào khán đài do các cửa kẹt cứng khán giả.
Rất may là sau sự cố đó, lãnh đạo thành phố không những không giận mà còn thấy được vai trò của bóng đá với đời sống nhân dân địa phương. Từ đó, sự quan tâm dành cho Than Quảng Ninh luôn ở mức cao nhất. Thậm chí, có lần đích thân một lãnh đạo thành phố đã xuống tận sân móc tiền túi tặng đội bóng.
V-League đang rất có giá! Hay nói đúng hơn, V-League đã chứng minh được giá trị của mình khi mà những người trong cuộc đang nghĩ và hành động vì sân chơi này. Bóng đá chỉ hấp dẫn khi nó đáng tin. Mà khi đã có lòng tin thì cả tình yêu lẫn tiền bạc sẽ đến.
Người ta nói rất nhiều về những hiệu ứng tích cực của V-League 2015. Sự tích cực không chỉ đến từ HA.GL với lứa cầu thủ trẻ tài năng mà bản thân mỗi đội bóng đều có những thay đổi quan trọng về tư duy làm bóng đá. Nó thể hiện ở việc, các đội bóng đã nghĩ và hành động vì CĐV nhiều hơn. Hay nói đúng hơn, thay vì lối tư duy xin-cho vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, những người làm bóng đá đã hướng ra thị trường, coi tình yêu của CĐV là đích đến và những tấm vé trở thành món hàng cần phải bán với giá cao.
V-League đang hướng đến cái đích chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp chỉ đến khi mỗi tấm vé vào sân phải đắt giá và nhiều người ao ước. Nhưng, muốn có điều đó, V-League với những người hoạt động trong đó phải coi khán giả là những khách hàng cần phải chinh phục.